“VƯỢT QUA THỬ THÁCH” KHI DU HỌC Ở MỸ
Là thị trường giáo dục thu hút số lượng lưu HS VN thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Australia, Hoa Kỳ đang là điểm đến hấp dẫn nhưng cũng không hề dễ dàng với nhiều SVVN. Đại diện tuyển sinh của các trường ĐH Hoa Kỳ sẽ chia sẻ kinh nghiệm chọn trường và những “bí quyết” giúp SV Việt vượt qua khó khăn khi học tập tại đất nước xa xôi và đắt đỏ này.
Harvard chưa chắc đã là lựa chọn só 1
“Rất nhiều SVVN đến triển lãm giáo dục Hoa Kỳ chỉ biết đến những trường ĐH danh tiếng toàn cầu như Harvard hay Stanford. Nhưng theo tôi, những trường đó chỉ thích hợp cho các nghiên cứu sinh muốn lấy bằng tiến sỹ. Nếu bạn muốn theo học chương trình cử nhân, nên chọn các trường ĐH công lập quy mô nhỏ hơn.”- Ông Bryan R. Higgins, Giám đốc Trung tâm Quốc tế, ĐH Plattsburgh, New York chia sẻ.
Theo ông Bryan thì ngay khi có ý định du học ở Mỹ, SV phải xác định bậc học của mình phù hợp với loại trường nào. Những trường lớn thường tập trung đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ mà không đầu tư lắm vào đào tạo bậc ĐH. Vì thế, một trường ĐH vừa phải là thích hợp hơn cả cho bậc học cử nhân.
Ông Bryan cũng nhấn mạnh rằng, hệ thống giáo dục Hoa Kỳ và VN có rất nhiều điểm khác biệt nên SV cần truy cập vào các website cung cấp thông tin về giáo dục để tìm hiểu, xác định loại trường thích hợp (trường tư với chi phí đắt đỏ hay trường công), trường nào cung cấp những khoá học tốt nhất thuộc ngành bạn quan tâm. Sau đó lên danh sách khoảng 4, 5 trường mà bạn cho là phù hợp nhất với điều kiện và nguyện vọng của mình và liên hệ trực tiếp với bộ phận phụ trách SV quốc tế. “Đừng ngần ngại gửi email hỏi họ những vấn đề bạn chưa biết, cho tới khi bạn hiểu thật kỹ thì mới gửi hồ sơ xin học.” – ông Bryan khuyên.
Một trong những yếu tố để SV lựa chọn trường tốt ở Hoa Kỳ là chứng chỉ kiểm định chất lượng giáo dục. TS. Mark Ashwill, GĐ Viện giáo dục Quốc tế IIE, cho biết: “Bộ GD không trực tiếp làm công việc này mà ủy thác cho 6 tổ chức phi lợi nhuận kiểm định chất lượng theo từng khu vực. Đây được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong giáo dục ĐH ở Hoa Kỳ. Những trường được chứng nhận này đều đạt tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu.”
“Tiêu chuẩn vàng” này cực kỳ quan trọng bởi nó tạo niềm tin của phụ huynh và SV với các trường ĐH. Đồng thời, chỉ có SV ở những trường đã được cấp chứng nhận chất lượng mới được hưởng các hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Vì thế, các trường ĐH luôn sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mời những tổ chức kiểm định chất lượng này về trường làm việc.
Quá trình kiểm định gồm 5 yếu tố chính. Thứ nhất là sự tự đánh giá của các trường. Sau đó là các đồng nghiệp từ những trường khác đánh giá. Tổ chức kiểm định sẽ gửi một đoàn tới kiểm tra, đánh giá chất lượng của trường dựa trên sự tự đánh giá.
Đoàn kiểm tra này gồm cả các giáo sư ở các trường ĐH khác và những người không hoạt động trong ngành giáo dục nhưng quan tâm tới giáo dục ĐH. Đoàn kiểm tra này đưa ra những đánh giá cuối cùng và quyết định có cấp chứng chỉ chất lượng cho trường hay không.
Đáng chú ý là đây không phải chứng chỉ vĩnh viễn, mà sẽ có sự kiểm tra liên tục vài năm một lần. Trường nào không đảm bảo chất lượng sẽ bị thu hồi chứng chỉ.
Vì vậy, khi lựa chọn đi du học ở Hoa Kỳ, phụ huynh và SV nên truy cập vào website www.chea.org để tìm danh sách những trường đã được kiểm định chất lượng của Hoa Kỳ.
5 trở ngại đối với SV Việt Nam
Theo TS Mark Ashwill, vấn đề lớn nhất của SVVN khi sang học tại Hoa Kỳ chính là phải làm quen với phương pháp giáo dục mới lấy người học làm trung tâm. Ở đây có sự tương tác nhiều hơn giữa giáo viên và SV, đối thoại và tranh luận nhiều hơn, yêu cầu SV phải năng động hơn trong việc tiếp nhận kiến thức.
Ông Mark Ashwill chia sẻ: “SV có thể đặt lịch hẹn gặp giáo viên ngoài giờ học để trao đổi những vấn đề học thuật. Đặc biệt, SV châu Á càng được tạo điều kiện tiếp cận giáo viên nhiều hơn.”
Bà Karla Schneider, Phó GĐ Trung tâm Quốc tế học, ĐH Ohio lại cho rằng điểm yếu của SVVN là khả năng tiếng Anh. Để khắc phục điều này, bà Karla khuyên các SV “tự tin, mạnh dạn đặt câu hỏi và thảo luận trong lớp học. Đừng ngần ngại không “thách thức” giáo viên của mình bằng những câu hỏi hóc búa.”
Một vấn đề khác là “sốc văn hoá” (culture shock) cũng có thể là trở ngại với SVVN. Nhưng nhiều trường ĐH ở Hoa Kỳ có cộng đồng SV quốc tế rất lớn nên các SV có thể sớm vượt qua sau vài tháng nếu thực sự hoà đồng với bạn bè.
Ông Dan Chatham, GĐ Tuyển sinh cao học Trường Quan hệ Quốc tế và Thái Bình Dương, ĐH California, San Diego thì khẳng định “thời gian là vấn đề lớn đối với SVVN”. Nhiều SV không ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia kỳ thi GRE hay TOEFL nên họ không sắp xếp thời gian hợp lý chuẩn bị cho những kỳ thi đó và không kịp đăng ký khoá học vào trường.
Loạt bài dành cho SV quốc tế của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ khuyên SV nên chuẩn bị cho quá trình xin học khoảng 2 năm trước khi bắt đầu học chính thức để đảm bảo có đủ điểm các kỳ thi cần thiết.
Ông Bryan R. Higgins còn bổ sung thêm một vấn đề khiến SVVN cũng như nhiều SV châu Á tại Hoa Kỳ phải đau đầu, đó là chi phí quá đắt đỏ.
Ở Hoa Kỳ có 3 hình thức hỗ trợ tài chính là: trợ giảng, trợ cấp, học bổng.
Trợ giảng là công việc (khoảng 20 tiếng/tuần) của các học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh giúp giáo sư dạy học, chấm điểm, hướng dẫn SV làm thí nghiệm… Các trợ giảng được trả tiền hoặc được miễn học phí.
Trợ cấp có thể của chính phủ hoặc các tổ chức cá nhân. Thông thường các khoản trợ cấp có mục đích hoặc chỉ dành cho những đối tượng đặc biệt.
Còn học bổng được dành cho những SV đặc biệt xuất sắc.
Theo Tuổi trẻ