
VIỆT NAM CÓ THỂ LẤY PHẦN TRONG CHIẾC BÁNH 3.000 TỈ USD DOANH THU SÁNG TẠO
LaSalle – SIA là học viện tư thục ở Singapore chuyên về các ngành nghệ thuật thiết kế và biểu diễn. Đây là học viện do một người Canada sáng lập, sau đấy được Chính phủ Singapore tài trợ học phí (kể cả cho sinh viên nước ngoài), trường sở và chi phí điều hành.
Hiện tại, hiệu trưởng học viện là giáo sư Robert Ely – người Anh, giảng viên nhiều trường nghệ thuật nổi tiếng tại Anh, Mỹ và Úc. Nhân dịp ông sang Việt Nam để khai mạc triển lãm, TTCT đã có cuộc trò chuyện về ngành thiết kế sáng tạo và nhu cầu đào tạo.
* Ở LaSalle – SIA, trường dạy nghệ thuật theo kiểu phương Đông, phương Tây hay pha trộn? Nếu sáng tạo nghệ thuật pha trộn giữa phương Tây và phương Đông thì có thể coi đó là một chiều hướng hiện đại cần ủng hộ, hay nói cách khác có thể coi đó là một nền nghệ thuật quốc tế và mang tính toàn cầu hay không?
– Không thể định nghĩa chương trình giảng dạy của chúng tôi là thuần túy phương Đông hay phương Tây. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy mà chúng tôi sử dụng là theo kiểu phương Tây. Điều quan trọng hơn cả đối với chúng tôi là chương trình giảng dạy đương đại. Sinh viên được khuyến khích phát triển cách suy nghĩ, tạo ra các ý tưởng mới thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Sáng tạo nghệ thuật pha trộn giữa phương Tây và phương Đông không phải là một xu hướng mới nữa.
Hai nền nghệ thuật đã có ảnh hưởng tác động lẫn nhau từ nhiều thế kỷ qua. Ở trường chúng tôi, sinh viên là nhân vật chính của quá trình sáng tạo, còn giảng viên, các nhà thiết kế và các chuyên viên chỉ là người khơi gợi cảm hứng cho các em. Đấy chính là phương pháp phương Tây, tuy nhiên sinh viên còn được học hỏi kiến thức, truyền thống nghệ thuật, văn hóa, xã hội của các dân tộc châu Á. Và Singapore là địa điểm lý tưởng để thực hiện điều này.
* Theo ông, người châu Á cũng như các trường nghệ thuật ở châu Á có khả năng bắt kịp và có được những tác phẩm sáng tạo nổi tiếng theo kiểu phương Tây?
– Câu trả lời ngắn gọn tất nhiên là được. Nhưng điều thú vị hơn là câu hỏi “tại sao chúng tôi muốn thực hiện điều này?”. Sao chép lại nghệ thuật phương Tây không phải là hướng đi của chúng tôi. Việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, gợi mở sẽ là cách để có được các tác phẩm có giá trị lâu bền. Sẽ tốt hơn nếu mọi người suy nghĩ bằng cách sáng tạo riêng của mình và thực hiện các ý tưởng đó theo cách mà họ cảm thấy hứng khởi nhất.
Hiện nay, doanh thu ngành công nghiệp sáng tạo (creativitive industry) trên toàn thế giới vào khoảng 3.000 tỉ USD. Để Việt Nam có được một phần trong chiếc bánh đó, các bạn phải đào tạo được một thế hệ nghệ sĩ, doanh nhân và các nhà phát minh có tầm cỡ quốc tế. LaSalle – SIA sẵn sàng giúp các bạn thực hiện điều này.
* Ông có dịp tìm hiểu nhiều về nghệ thuật của Việt Nam hay chưa? Qua việc tìm hiểu đó cũng như qua tiếp xúc với sinh viên Việt Nam, ông thấy nghệ thuật Việt Nam có gì đáng chú ý? Tại triển lãm sinh viên của trường ở đây, hai bạn sinh viên Việt Nam được chọn trên những cơ sở nào?
– Chúng tôi chưa biết nhiều về nghệ thuật Việt Nam. Một trong những lý do chúng tôi đến Việt Nam lần này là để tìm hiểu thêm về nghệ thuật tại đây. Các sinh viên Việt Nam có mặt tại triển lãm lần này đại diện cho chúng tôi về phong cách sáng tạo đương đại. Trong sáng tạo không có cái đúng và cái sai. Chúng tôi không nói với sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên khác là họ đúng hay sai. Thay vào đó chúng tôi cung cấp cho họ các ý tưởng để có thể sáng tạo được, khuyến khích họ suy nghĩ toàn diện và diễn đạt các ý tưởng của mình.
* LaSalle – SIA là một học viện tư thục nhưng vì sao lại được Chính phủ Singapore tài trợ học phí cũng như các chi phí khác, kể cả việc xây dựng một Campus mới rất bề thế? Ở các nước phương Tây mà ông đã và đang công tác, người ta có làm như thế không?
– Có lẽ việc một trường tư được nhà nước tài trợ là một khái niệm hơi lạ. Nhưng Chính phủ Singapore có một cái nhìn rất tích cực về nghệ thuật và sự phát triển của nghệ thuật tại Singapore. Chính phủ Singapore muốn Singapore trở thành trung tâm và thủ đô nghệ thuật của khu vực Đông Nam Á.
Do đó các học viện cũng như các dự án nghệ thuật do tư nhân khởi xướng đều nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan như Cục Phát triển kinh tế (cơ quan tương tự Bộ Kế hoạch và đầu tư) và Bộ Giáo dục Singapore. Chính phủ Singapore đã công nhận chất lượng và chương trình đào tạo của trường chúng tôi, cũng như tầm quan trọng của hoạt động sáng tạo trong nền kinh tế thế giới. Đối với thế giới, thế kỷ 19 là thế kỷ của công nghiệp, thế kỷ 20 là thế kỷ của khoa học kỹ thuật, và thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của sáng tạo.
Singapore đã đặt LaSalle vào chương trình ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Mặc dù là tư thục, LaSalle không phải là một công ty kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Cũng như Harvard (Mỹ), Oxford, Trường Nghệ thuật hoàng gia (Anh) và nhiều trường đại học khác, vị thế của chúng tôi là một học viện tư nhưng được chính phủ hỗ trợ.
(Theo Tuổi Trẻ)