SINH VIÊN HÀN QUỐC VÀ ẢO TƯỞNG DU HỌC
Ngày càng có nhiều thanh niên Hàn Quốc tìm tới Mỹ với một niềm tin rằng các trường học tư của Mỹ sẽ mang tới cho họ một phương pháp giáo dục phóng khoáng hơn so với nền giáo dục Hàn Quốc vốn đầy những quy định và sự cạnh tranh nghẹt thở. Tuy nhiên, tránh “vỏ dưa” lại gặp “vỏ dừa”.
Hiện nay, lượng học sinh Hàn Quốc đi du học nước ngoài đã đạt mức cao kỷ lục với hơn 7.000 người, tăng 15% so với hai năm trước.
Các bậc cha mẹ tin rằng con em họ sẽ nhận được sự giáo dục tốt hơn ở môi trường nước ngoài. Vì vậy mặc dù chi phí học tập tại các trường dân lập cỡ trung bình của Mỹ là 40.000 USD/năm nhưng họ vẫn mạo hiểm gửi con em mình tới đất nước của những “cơ hội vàng” này.
Đó là sự thực hay ảo tưởng?
Trong thực tế, các trường học của Mỹ thường đưa ra rất nhiều những lựa chọn đa dạng cho sinh viên. Có thể nhận thấy điều này qua con số hơn 30 nhóm thể thao cùng rất nhiều các hoạt động ngoại khóa như các câu lạc bộ học tập và giải trí.
Tuy vậy các hoạt động được coi là sự lựa chọn này lại thường là bắt buộc. Sinh viên phải đăng kí tham gia ít nhất một hoạt động ngoại khóa và đeo đuổi nó trong suốt học kỳ. Đó không còn là thời gian giải trí của sinh viên nữa.
Một điều nữa mà ít ai có thể biết được đó là lịch học của các sinh viên Mỹ cực kỳ nặng nề. Một ngày học tập của họ bắt đầu từ 8 giờ sáng và chỉ kết thúc sau 10 giờ đêm. Hàng ngày, ngay sau các giờ học về nhân quyền và lịch sử Hoa Kỳ vốn đã rất đau đầu, các sinh viên Mỹ còn phải dành thêm 2 giờ nữa cho việc tập luyện bóng đá rất mệt nhọc. Mọi việc cứ thế diễn ra hàng tuần, hàng tháng, thậm chí trong suốt cả năm học.
Đối với các sinh viên Hàn Quốc, một ngày của họ trôi qua còn cực khổ hơn rất nhiều. Các trường học tại Mỹ có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt là đối với các sinh viên ngoại quốc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai. Mỗi ngày họ phải dành tới 14 tiếng đồng hồ “cày” để có thể đạt được thành tích tương tự như của các sinh viên Mỹ. Vì vậy, việc phải thức trắng đêm là rất phổ biến. Thậm chí vào cuối tuần, các sinh viên Hàn Quốc vẫn phải vật lộn với cuốn từ điển Hàn – Anh để hoàn thành một đống bài tập về nhà.
Nền giáo dục của Hàn Quốc vốn có đòi hỏi rất khắt khe. Vì vậy, nhiều học sinh đã tìm cách né tránh điều đó qua con đường du học với hy vọng được giáo dục theo một cách nhàn nhã hơn. Nhưng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Rất nhiều người trong số họ đã phải ôm ảo tưởng về nước.
Vì vậy cả phụ huynh và sinh viên cần phải ý thức được rằng chỉ những sinh viên đặt ra được mục tiêu rõ ràng cùng ý chí quyết tâm mới có thể tồn tại được trong các trường học đầy tính cạnh tranh của Mỹ.
Nền giáo dục tự do và phóng khoáng của Mỹ mang lại cơ hội cho những sinh viên chăm chỉ và muốn phát triển tiềm năng của mình chứ không phải cho những sinh viên muốn “nghỉ ngơi” và lẩn tránh sự khắt khe của nền giáo dục Hàn Quốc.
Theo Dantri