QUẢN TRỊ ĐH KIỂU MỸ
Trong phần viết về “quản trị giáo dục đại học” ở Mỹ, GS.Vũ Quốc Phóng (ĐH Ohio) giới thiệu các nội dung: vị trí quản trị trong trường ĐH, vai trò của giảng viên, các nguyên tắc quản trị ĐH, một số vị trí khác biệt và những tính chất khác biệt trong tương quan với quản trị ĐH Việt Nam.
Theo tác giả, ở Mỹ, các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong trường ĐH như chủ tịch, tổng hiệu trưởng và hiệu trưởng đều được bổ nhiệm, dựa trên kết quả của các quá trình tìm kiếm nhân sự rộng khắp toàn nước Mỹ. Phương pháp chọn nhân sự này đề cao quyền hạn và trách nhiệm cá nhân. Việc quyền quyết định cuối cùng thuộc về hiệu trưởng của các trường con, tổng hiệu trưởng và chủ tịch là biểu hiện của phương pháp quản lý theo kiểu công ty trong trường ĐH.
Nếu so sánh cách tổ chức và quản trị của các trường ĐH của Mỹ và Việt Nam, có thể thấy là, về nhiều mặt, các trường ĐH ở Việt Nam (loại trừ ĐHQG Hà Nội và TP.HCM) như là những trường con của một trường ĐH khổng lồ, và Bộ GD – ĐT như là một hội đồng quản trị chung và ban lãnh đạo chung của những trường đó.
VỊ TRÍ QUẢN TRỊ VÀ LỰC LƯỢNG TRUNG TÂM
Các vị trí quản trị trong trường ĐH
Trước hết, để tiện theo dõi, ta hãy thống nhất một số tên gọi.
Một trường ĐH nghiên cứu ở Mỹ (university) thường có các trường con (colleges, schools), và mỗi trường con có các khoa (department), viện (institute) hoặc trung tâm (center) khác nhau.
Chức vụ cao nhất trong trường là chủ tịch (president, chancelor), sau đó là provost, có thể tạm dịch là “tổng hiệu trưởng”. Ngoài ra, có nhiều phó chủ tịch phụ trách các mảng khác nhau trong trường, ví dụ như tài chính, nghiên cứu, công tác sinh viên, v.v…
Đứng đầu các trường con là các hiệu trưởng (dean), và đứng đầu các khoa, viện và trung tâm là các trưởng khoa, giám đốc viện hoặc trung tâm. Trưởng khoa báo cáo với hiệu trưởng, hiệu trưởng báo cáo với tổng hiệu trưởng, tổng hiệu trưởng báo cáo với chủ tịch. Các phó chủ tịch đều báo cáo trực tiếp với chủ tịch.
Chủ tịch do hội đồng quản trị bầu, tất nhiên sau khi tham khảo ý kiến của “ban tìm kiếm chủ tịch” (president search committee). Chủ tịch chỉ định tổng hiệu trưởng và các phó chủ tịch, sau khi tham khảo ý kiến của các ban tìm nhân sự tương ứng. Tương tự, tổng hiệu trưởng chỉ định hiệu trưởng và hiệu trưởng chỉ định trưởng khoa.
Tuy vị trí tổng hiệu trưởng và các phó chủ tịch tương đương với nhau, nhưng tổng hiệu trưởng là nhân vật quan trọng thứ hai trong trường, là người trực tiếp quản trị và điều hành công việc của tất cả các trường con, tạo điều kiện cho chủ tịch tập trung thời gian để lãnh đạo về chiến lược phát triển và vận động gây quỹ cho trường.
Về cấu trúc thì các trường ĐH nghiên cứu ở Mỹ cũng tương tự như ĐHQG Hà Nội, tức là cũng bao gồm các trường con; nhưng số trường con của ĐHQG ít hơn và không có các trường kỹ thuật, y học, sư phạm và quản trị kinh doanh. Chức chủ tịch trường ĐH ở Mỹ tương tự như giám đốc ĐHQG, nhưng ĐHQG không có chức nào tương tự như tổng hiệu trưởng.
Giảng viên – lực lượng trung tâm trong trường
Ở những trường ĐH cỡ trung bình trở lên, đội ngũ giảng viên không thuần nhất và bao gồm các thành phần chính thức (hay có thể gọi là giảng viên vĩnh viễn, vì thực tế những người này không bao giờ mất việc, tương tự như biên chế nhà nước ở Việt Nam), giảng viên tạm thời, bán thời gian, giảng viên thỉnh giảng và trợ giảng.
Đại bộ phận giảng viên chính thức (có tenure) đều có bằng tiến sỹ và đều phải qua một quá trình chọn lọc rất cẩn thận. Giảng viên mới vào trường thường được phong trợ lý giáo sư (assistant professor) và phải qua thời gian thử thách 5-6 năm trước khi được bổ nhiệm chính thức (awarded tenure) và nâng thành phó giáo sư (associate professor).
Không có thời gian quy định cứng nhắc là sau bao năm ở chức phó giáo sư thì sẽ được xem xét giáo sư (hay còn gọi là giáo sư “đầy đủ”, full professor). Có người ở vị trí phó giáo sư mãi, và cũng có người chỉ sau 2 năm là được phong giáo sư. Tất cả phụ thuộc các giáo sư của khoa cơ sở có ủng hộ không, và sau đó hiệu trưởng có thông qua không.
Chỉ có ở các truờng công và trường tư phi lợi nhuận mới có bổ nhiệm chính thức, những trường tư vì lợi nhuận không có chuyện này và giảng viên ở đó, giống như nhân viên các công ty, có thể bị mất việc bất kỳ lúc nào.
Ngược lại với các giảng viên chính thức, các giảng viên tạm thời hoặc bán thời gian có quyền lợi rất hạn chế, mặc dù họ có thể đã dạy liên tiếp trong trường hàng chục năm liền. Lương thấp hơn một cách đáng kể, không có bậc, và có thể bị mất việc bất kỳ lúc nào.
Các trường đại học nghiên cứu có nhiều sinh viên cao học làm trợ lý giảng dạy hoặc nghiên cứu, và họ là một lực lượng giảng viên đáng kể. Các giảng viên chính thức là lực lượng trung tâm trong nhà trường bởi vì họ là người thực hiện các mục tiêu chính của trường, nghiên cứu và giảng dạy.
(Theo Vietnamnet)
===================================
Tự hào với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn du học và là đại diện tuyển sinh chính thức của các trường, Edulinks làm hồ sơ du học các nước hoàn toàn miễn phí. Cần tìm hiểu bất kỳ thông tin nào thêm quý phụ huynh và các bạn học sinh có thể liên hệ ngay với Edulinks TẠI ĐÂY hoặc gọi Hotline: 0913 452 361 (Ms Châu) – 0919 735 426 (Ms Chi) để được hỗ trợ tốt nhất.
Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY DU HỌC EDULINKS
CHI NHÁNH TP.HCM
Văn phòng 1: 439 Hoàng Văn Thụ, phường 4, Q. Tân Bình
Văn phòng 2: Lầu 2, số 02 – 04 Alexandre De Rhodes, Bến Nghé, Quận 1
Điện thoại (04) 3718 3654 – 01238686 123
CHI NHÁNH HÀ NỘI
Văn phòng 3: 06 Tây Hồ, P. Quảng An, Q.Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3718 3654 – 0123 8686 123
CHI NHÁNH ĐỒNG NAI
Văn phòng 4: 29/84 KP2, P. Hố Nai, Tp Biên Hòa, Đồng Nai
Điện thoại: 091 941 1221
Email: info@edulinks.vn – Facebook: Du học Edulinks