
MỸ: NHIỀU ĐH TƯ THỤC NIÊM YẾT CỐ PHIẾU
Ngoài các trường ĐH tư phi lợi nhuận, ở Mỹ còn có các trường tư thục vì lợi nhuận (tổng cộng khoảng trên 50 trường). Những trường này hoạt động như các công ty chuyên về giáo dục, và một số trường học – công ty đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Tiêu biểu là trường ĐH University of Phoenix (đừng nhầm với trường University of Arizona ở Phoenix). Thành lập năm 1976, trường đại học Phoenix đã phát triển nhanh chóng và đến nay đã có hơn 170.000 cựu SV. Hiện nay, trường có tổng cộng 280.000 SV học theo các phương pháp tryền thống lẫn qua mạng ở rải rác trên 190 khu vực ở Mỹ và một số nước khác.
Trường Phoenix và một số trường tư thục vì lợi nhuận khác trực thuộc công ty Appolo Group [ký hiệu ở thị trường chứng khoán Mỹ là APOL với tổng giá trị khoảng 7,7 tỷ USD]. Một trường khá nổi tiếng khác là DeVry University, với tổng cộng gần 80.000 SV học rải rác ở hơn 80 địa điểm khác nhau khắp nước Mỹ, Canada và học qua mạng (ký hiệu ở thị trường chứng khoán Mỹ là DV với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD).
Khác nhau cơ bản giữa các trường phi lợi nhuận với các trường vì lợi nhuận là mục đích chính của các trường vì lợi nhuận là đem lại lợi nhuận cao nhất cho các cổ đông, trong khi các trường phi lợi nhuận thì không có cổ đông. Tuy nhiên, để đem lại lợi nhuận cao thì phải thu hút được nhiều SV, nghĩa là chất lượng mọi mặt của trường nói chung cũng phải tốt.
Mặt khác, những trường phi lợi nhuận nói chung cũng vẫn phải cạnh tranh với nhau như những công ty, phải xem xét đầy đủ các yếu tố thị trường và càng ngày càng có xu hướng hoạt động như những công ty lớn.
Dù sao, các trường vì lợi nhuận cũng không thể mong vào sự tài trợ trực tiếp của chính phủ các bang, của cựu SV hay các nhà hảo tâm. Toàn bộ ngân sách của họ dựa vào học phí.
Vì thế, những trường ĐH vì lợi nhuận ở Mỹ chỉ đào tạo chứ không nghiên cứu, và chỉ tập trung đào tạo các ngành ra dễ tìm việc và có nhu cầu cao, mà không phải đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm nhiều, như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, y tá điều dưỡng, sư phạm,…
Họ có thể nhận tài trợ của chính phủ một cách gián tiếp thông qua các chương trình cho SV vay ưu đãi để học đại học. Nếu trường nào chất lượng không tốt, không được kiểm định cấp chứng chỉ (accredited), thì có thể bị chính phủ Mỹ phạt bằng cách không cấp tài trợ hoặc tín dụng cho SV học ở trường đó nữa.
Các trường ĐH tư thục vì lợi nhuận cũng bắt đầu xuất hiện ở các nước khác, những nơi mà do các lý do lịch sử, hệ thống ĐH công truyền thống không đáp ứng được nhu cầu học của nhân dân. Phần lớn các trường đó còn bé, cơ sở vật chất còn nghèo và chất lượng còn thấp, nhưng cũng có một số ít trường đã trưởng thành nhanh chóng, ví dụ như trường ĐH Multimedia ở Malaysia.
(Theo Vietnamnet)