
MỸ: LÀN SÓNG XÂY DỰNG Ồ ẠT TRƯỜNG ĐH
Từ đại học Stanford ở bờ biển phía tây cho tới trường Ivy League ở phía đông bắc, một làn sóng đầu tư xây dựng chưa từng có đang diễn ra trong các trường đại học Mỹ và dự kiến sẽ đạt ngưỡng đỉnh vào năm 2009.
Lí do cho hoạt động xây dựng rầm rộ này có nhiều: thứ nhất là “đòn tấn công phủ đầu” với sự cạnh tranh sinh viên quốc tế từ châu Á; thứ hai ngay trong chính nước Mỹ khi tấm bằng tốt nghiệp trung học giờ đây chẳng giúp gì nhiều để xin việc thì dự báo nhu cầu học đại học cũng rất lớn; với những trường đại học tại những thành phố lớn thì còn nhắm tới phần thu nhập từ cho thuê nhà sinh viên, những khu kí túc xá mới mọc lên sẽ là một nguồn thu lớn.
Tích lũy một tiềm lực lớn từ học phí tăng lên và những khoản tiền quyên tặng cũng tăng lên, các trường đại học hiện nay sở hữu những tiện nghi mà không ai có thể tưởng tượng ra cách đây 20 hay 30 năm – sinh viên được sinh hoạt trong những phòng ăn rộng khổng lồ kiểu công sản cho tới những trung tâm thư giãn giống với các câu lạc bộ thể thao ngoài trời… Tại Đại học Missouri, một khu phức hợp giải trí sinh viên mới được nâng cấp tốn hết 43 triệu USD được khai trương hồi tháng 8 với diện tích hơn 900.000 mét vuông – trong đó có các phòng tập thể hình và một trung tâm thể thao dưới nước, một phòng DJ và một quán bar giải khát.
“Phụ huynh không chỉ nhìn vào chất lượng đào tạo mà họ cũng muốn chất lượng sống cao trong các trường của chúng tôi, một vấn đề mà cách đây 20 năm chẳng phụ huynh nào quan tâm” – Claire Van Ummersen, phó chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ (nơi đại diện cho hơn 1.800 trường cao đẳng, đại học và các tổ chức liên quan tới đào tạo sau phổ thông) cho biết.
Một số viện đào tạo như Đại học California, Stanford và Đại học Havard lừng danh cũng đang cải tạo lại cơ sở hạ tầng đã xuống cấp – một nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu vào năm 2009 tuyển được 3,2 triệu sinh viên, con số cao nhất từ trước tới nay. Việc xây dựng mới trong các trường cao đẳng và đại học Mỹ có thể đạt đỉnh ở mức 113 triệu mét vuông vào năm 2009. Riêng trong năm 2006, tỉ lệ xây dựng tăng 18%.
Tốc độ xây dựng một số nơi tăng đột biến như Boston, nơi các trường đại học đề ra kế hoạch xây khoảng 2 chục cao ốc mới, gồm cả bảo tàng, trung tâm nghiên cứu và một tòa tháp chọc trời 30 tầng nhìn xuống Vịnh Đen nổi tiếng của thành phố.
Không chỉ nhắm tới tương lai mà việc mở rộng trường đã là một yêu cầu bức thiết hiện tại. Roger Brown, chủ tịch trường Đại học âm nhạc Berklee, vừa công bố kế hoạch chi 300 triệu USD xây dựng các khu phức hợp mới và các dự án khác tại Boston trong 2 thập kỉ tới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lên từng ngày. Các đơn xin học vào Berklee, một trong những trường âm nhạc danh tiếng nhất thế giới, đã tăng 72% trong 2 năm nhưng cơ sở hạn hẹp khiến mức tuyển chỉ giới hạn ở 4.000 sinh viên. Điều đó có nghĩa là để vào Berklee học trở nên khó khăn hơn – Brown nói – Chỉ khoảng 30% sinh viên nộp đơn được chấp thuận.
Harvard, trường đại học giàu có nhất thế giới với số tiền hiến tặng tới 29 tỉ USD, đang có kế hoạch xây một khu trường sở mới trị giá nhiều tỉ USD tại vùng láng giềng Allston; Trường Boston College thì đang hoàn thiện kế hoạch đại tu trường sở; Boston University, Emerson College và Northeastern University tất cả gần đây đều đã nâng cấp. Tổng cộng, hơn 16 triệu mét vuông xây dựng đã được thực hiện trong các khu trường sở ở Boston, theo một phân tích của tờ The Boston Globe.
Việc mở rộng và hiện đại hóa trường sở cũng là một hướng cạnh tranh với các cơ sở đào tạo tại châu á. Trung Quốc, Singapore và ấn Độ trước đây là những nước gửi nhiều du học sinh tới Mỹ, nay đang gia tăng cạnh tranh bằng học phí. Trung Quốc tham vọng biến các trường đại học hàng đầu của mình thành những trường tốt nhất thế giới trong vòng 1 thập kỉ và đang chi hàng tỉ USD xây dựng những phòng thí nghiệm nghiên cứu hạng nhất nhằm thu hút các nhà khoa học hàng đầu. Ấn Độ và Singapore cũng đổ ngân sách vào giáo dục bậc cao để thu lợi từ cái gọi là ngành công nghiệp tri thức.
Việc xây dựng ồ ạt của các trường đại học Mỹ nhìn ở một khía cạnh khác dự báo một làn sóng tăng học phí mới. Một phần chi phí xây dựng từ tài trợ nhưng phần còn lại sẽ chất lên vai các loại phí và học phí đối với sinh viên. Hiện các mức phí này đã tăng nhanh hơn lạm phát ở mức trung bình 7,1% trong các trường đại học và cao đẳng công lập trong năm học 2005- 06. Số sinh viên Mỹ tốt nghiệp mang món nợ ít nhất 40.000 USD tăng gấp 10 lần trong khoảng từ năm 1993 tới 2004, cụ thể là khoảng 77.500 SV so với 7000 trong 1 thập kỉ trước.
(Giáo dục Thời đại/Theo Reuters)