Câu trả lời là: được công nhận có điều kiện. Đối với diện tiếp tục du học ở bậc cao hơn thì tương đối dễ dàng hơn là xin công nhận bằng cấp để hành nghề. Để được công nhận sẽ phải qua khâu đánh giá (evaluation), thường là của một tổ chức, công ty… được đa số các trường đại học, học viện của Mỹ (kể cả Canada) thừa nhận.
Cơ quan nào đánh giá?
Mỹ là một nước cộng hòa liên bang có hệ thống giáo dục phân quyền (về địa phương). Việc công nhận bằng cấp, chứng chỉ không do chính quyền liên bang quy định. Ở Mỹ, không có một cơ quan, tổ chức nào của chính phủ phụ trách việc đánh giá bằng cấp. Thay vào đó, chính quyền liên bang cũng như chính quyền tiểu bang, các địa phương dựa vào – và công nhận – sự đánh giá các bằng cấp, chứng chỉ nghề… của nước ngoài do các trường, các học viện của Mỹ tự làm lấy, hoặc thường là do các tổ chức, công ty tư nhân đảm nhiệm.
Hội đồng Quốc gia thẩm định việc thừa nhận các chứng từ nước ngoài (National Council for the Recognition of Foreign Academic Credentials) là cơ quan cấp liên bang ở Mỹ chịu trách nhiệm về việc phát triển và công bố bản báo cáo về mức độ thích hợp để so sánh nhằm giúp cho các nhà quản lý giáo dục cũng như những chuyên viên lượng giá của Mỹ trong việc quyết định văn bằng, chứng chỉ… nước ngoài đó tương đương với loại bằng cấp, chứng chỉ nào của Mỹ.
Tuy một số trường, học viện vẫn có bộ phận đánh giá bằng cấp nước ngoài để xếp loại tương đương với bằng cấp của Mỹ khi thâu nhận những tân sinh viên, nhưng hầu hết các trường đều yêu cầu qua đánh giá của một tổ chức trung gian. Ở Mỹ có nhiều tổ chức tư nhân lượng giá như thế và chính quyền không chính thức giới thiệu hay hậu thuẫn cho bất cứ một công ty, tổ chức tư nhân lượng giá nào. Bạn đọc có thể truy cập vào mạng Yahoo!, Google, Excite, Lycos, Alta Vista hoặc nhiều địa chỉ khác rồi gõ các nhóm từ khóa:
“credential evaluation” hoặc “credential evaluation service” thì sẽ nhận được những thông tin cần thiết. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu World Education services (WES), một trong số nhiều tổ chức lượng giá phổ biến ở Mỹ và Canada. Việc giới thiệu WES chỉ là một thí dụ về một tổ chức tư nhân lượng giá ở Mỹ (người viết hoàn toàn khách quan) và bạn đọc sẽ nhận thấy điều đó khi truy cập, tìm hiểu thông tin các trường đại học ở Mỹ và Canada. Cũng như một số tổ chức, công ty lượng giá khác, WES được nhiều trường đại học, học viện, các cơ quan cấp giấy phép hành nghề, các công ty và kể cả cơ quan di trú, nhập tịch Mỹ công nhận. Điều này dễ dàng nhận biết một khi ta truy cập thông tin về điều kiện nhập học ở các trường thì thường có phần “văn bằng phải được WES (hay những tổ chức tương đương) lượng giá”.
Có mấy loại đánh giá bằng cấp và loại nào cần thiết cho bạn?
WES áp dụng 2 loại đánh giá với lệ phí như sau:
1.-Từ bằng cấp, chứng chỉ nước ngoài qua bằng cấp, chứng chỉ tương đương của Mỹ (Document-by-Document Report) với lệ phí 100 USD: Loại này đánh giá bằng cấp, chứng chỉ qua thời gian học tập, tên tuổi của người được cấp bằng, tên trường và năm nhận bằng cũng như cung cấp phần chứng chỉ, bằng cấp tương đương của Mỹ đối với bằng cấp, chứng chỉ được đánh giá.
Kiểu đánh giá loại này thích hợp cho những ai muốn xin đi hợp tác lao động, xin đi làm việc ở Mỹ, những người đi định cư. Hoặc giả đối với những người chỉ có duy nhất mảnh bằng, chứng chỉ (quá lâu) mà nay không còn hồ sơ, học bạ hay cơ sở nhà trường nay đã giải thể… không còn tìm đâu ra chi tiết liên quan đến những gì mình đã học.
2.-Đánh giá toàn diện khóa học (Comprehensive Course-by-Course Report) với lệ phí 150 USD: Loại này cung cấp chi tiết hơn về bằng cấp, chứng chỉ và những gì đã học mà thông thường là có phần liệt kê tất cả các môn học+thời gian, cung cấp các tín chỉ (credits) tương đương cùng điểm số tương đương, cung cấp điểm trung bình tương đương (GPA) so với thang điểm 4.0 của Mỹ.
Loại đánh giá này cần thiết cho những ai muốn tiếp tục con đường học vấn của mình, theo đuổi các khóa sau đại học hoặc muốn nhận một bằng đại học thứ hai ở Mỹ với thời gian ngắn hơn bằng cách chuyển điểm những phần mình đã học trong bằng cấp thứ nhất. Những người muốn dùng bằng cấp của mình để xin giấy phép hành nghề ở Mỹ cũng phải cần đến loại đánh giá này. Kiểu đánh giá chi tiết như thế này cũng giúp ích cho những nhà tuyển dụng ở Mỹ khi cần người đúng vào từng vị trí.
Bằng cấp, chứng chỉ bằng tiếng Việt thì phải làm sao?
Nếu như bằng cấp, chứng chỉ không phải bằng tiếng Anh thì người xin đánh giá phải gửi kèm theo bản sao bằng cấp, chứng chỉ (hay học bạ trong trường hợp muốn đánh giá toàn diện khóa học) của mình một bản dịch từng chữ một (word-for-word English translation). Bản dịch này nếu do nhà trường hay học viện (mà người xin đánh giá đã theo học) cấp thì rất tốt. Nếu không, thì phải do các văn phòng, các dịch giả được công nhận cung cấp. Ở Mỹ cũng có những tổ chức tư nhân dịch thuật nhưng lệ phí khá cao.
Những năm gần đây, một số trường đại học ở Việt Nam đã áp dụng việc cấp văn bằng (kể cả các môn học kèm theo) bằng song ngữ Việt-Anh. Điều này tạo nhiều thuận lợi cho những người thủ đắc văn bằng. Có một điều nữa cần lưu ý là khi các tổ chức đánh giá nước ngoài có những thắc mắc, nghi ngờ về văn bằng và hồ sơ đính kèm của người xin lượng giá, các tổ chức này thường gửi công văn đến các trường, học viện liên quan để hỏi thăm tin tức cần thiết, lại không nhận được hồi đáp, cho dù đôi lúc họ đã phải nhắc đi nhắc lại. Các trường, học viện của chúng ta cần lưu ý điểm này, bởi vì một khi ta cung cấp tin tức cho họ để đánh giá những người đã nhận bằng cấp từ trường học của chúng ta, giúp cho các cựu sinh viên nhận được bằng cấp tương đương của nước ngoài, tức là ta đã quảng bá thương hiệu của trường mình. Không lý do gì lại để rơi vào tình trạng “im lặng đáng sợ”.
Lệ phí đánh giá nêu trên tuy khá cao so với thu nhập hiện nay của người Việt Nam chúng ta nhưng việc cầm trong tay một bằng cấp, chứng chỉ tương đương như thế rất hữu dụng. Việc đánh giá của WES (và các tổ chức tương tự) tiến hành khá nhanh. Với những trường hợp thông thường, WES sẽ có trả lời đánh giá trong 7 ngày làm việc (business day). Nếu gấp thì có dịch vụ nhanh, chỉ trong 3 ngày nhưng lệ phí cao hơn.
(Theo Thanh Niên)