
HÀNH TRANG NGÀY VỀ
Trở về nước, nhiều cựu du học sinh (DHS) đã nắm bắt cơ hội, vượt qua nhiều thách thức để tạo dựng thành công trên chính quê hương mình. Trên đất người, những sinh viên đang du học cũng nỗ lực không ngừng chuẩn bị hành trang cho ngày trở về. Ra đi để trở về hội nhập và cống hiến là một hướng chọn lựa mới của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Vượt rào cản tâm lý để thành công
Thân Vũ Quang Chính – cựu DHS tại Đức là một điển hình. Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính trường Leibniz University Hannover, chàng trai trẻ về nước và đầu quân vào Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận MASECO trong cương vị trợ lý tổng giám đốc. May mắn đã đến với Chính. Tuy nhiên, theo cậu, may mắn đó “không phải như luồng gió tự nhiên, mà được tạo ra chính từ sự năng động của bản thân”. Là thành viên thường trực trong Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ DHS (OVS) tại TP.HCM, một năm thực tập cho Siemens tại VN, Chính có nhiều cơ hội để tìm hiểu thực tế của đất nước, tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp và… tạo thời cơ cho chính mình. Với những gì đang có trong tay, giờ đây, Chính đã có thể tạm yên tâm để theo đuổi ước mơ đã được hoạch định trong định hướng nghề nghiệp của mình – cái định hướng chỉ được tiết lộ qua mấy chữ ngắn gọn: có ích cho bản thân và gia đình, lợi cho đất nước và xã hội. Bên cạnh đó, Chính vẫn tranh thủ thời gian tham gia vào công việc mà theo anh rất hữu ích cho các bạn DHS trong OVS – cầu nối giữa họ với các doanh nghiệp trong nước.
Cũng khá dễ dàng và nhanh chóng là sự trở về của Hoàng Minh Anh Tú – cựu DHS ngành Công nghệ thông tin trường Alberta University (Canada): Nộp hồ sơ chỉ 2 công ty và đều được tiếp nhận trong vòng chưa đầy một tuần. Hỏi về bí quyết, Tú mỉm cười khiêm tốn nói về những điều mình thể hiện được, đó là trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, thiện chí với công việc và đặc biệt là biết vừa lòng với mức lương cho một sinh viên mới ra trường. Tú lý giải: “Bằng quốc tế hay trong nước, sinh viên mới ra trường đều giống nhau ở chỗ chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, điều khác nhau là năng lực trong thực tế được thể hiện như thế nào. Với môi trường chung và điều kiện ban đầu như vậy, không lý gì mình có thể đòi hỏi nhiều hơn những gì mình không có hoặc chưa thể hiện được”.
Với lập trường đó, vào vị trí nhân viên lập trình của Công ty SMS với mức lương khởi điểm 150 USD/tháng như Tú không hẳn là sự lựa chọn sai lầm. Và quả vậy, chỉ sau 2 tháng thử việc, mức lương của Tú tăng lên 75%, qua một năm nữa tăng thêm 20%, và tiếp 20% cho năm tiếp theo… “Chưa hết”, Tú tiếp lời, “thưởng cuối năm còn lên tới tháng thứ 20 nữa chứ!”. Phía sau những ngạc nhiên ấy vẫn chỉ là những năng lực thực sự được thể hiện. Lương cao vẫn chưa hết “đã”, mà đặc biệt là với việc tham gia vào nhiều dự án hay của công ty, Tú mới “ngộ” hết những điều mới mẻ và thú vị từ công việc. Tú so sánh, nếu ở nước ngoài phải 3, 4 năm mới hy vọng được thăng chức, thì chỉ vài tháng thể hiện năng lực Tú đã trở thành chuyên gia Senior (lập trình viên cao cấp). Từ thực tế chứng kiến, Tú không ngần ngại khi kết luận: Nói rằng làm việc tại VN, đặc biệt trong môi trường cơ quan Nhà nước, khó thăng tiến là không đúng. Tuy cơ chế có những rào cản nhưng bản thân có năng lực thì cơ hội luôn ở phía trước.
Dù phải hơn một lần thay đổi công việc nhưng Đào Công Thắng vẫn là một điển hình cho những tấm gương DHS thành đạt trở về. Bảo vệ thành công luận án thạc sĩ ngành Khoa học máy tính trường South Eastern University (Mỹ), Thắng vẫn tối tối học thêm để vừa ôn lại kiến thức, vừa nắm bắt kịp những chuyển động kinh tế – xã hội đất nước.
Thêm một ví dụ với nhiều ngạc nhiên về vấn đề lương bổng, từ mức khởi điểm 3,5 triệu đồng/tháng, sau một năm 7 lần tăng lương, cùng với lợi nhuận được hưởng trực tiếp từ các dự án, thu nhập trung bình trên 1.000 USD/tháng của Thắng cũng không đến nỗi nào. “Đó chưa thể là mức có thể đem ra so sánh với 30.000 – 40.000 USD/năm của một kỹ sư bên Mỹ, nhưng xét về tỷ lệ thuận giữa mức sống và mức lương của hai môi trường, cộng với những điều kiện mà một công dân chỉ được hưởng trên chính quê hương mình thì cán cân nặng nhẹ chắc chắn sẽ khác”. Anh còn chia sẻ đầy kinh nghiệm: “Khi khoác trên mình “mác” của một DHS trở về nước, áp lực từ gia đình và xã hội luôn khiến họ có nhu cầu được thể hiện, nhưng lương thấp lại làm họ thất vọng. Với những người xa Tổ quốc lâu, việc tái hòa nhập xã hội cũng là vấn đề. Đôi khi những khác biệt về thời tiết, đường sá bụi bặm, tâm lý muốn làm sếp… có thể khiến các bạn bị sốc. Vì vậy, quan trọng nhất để thành công khi về nước hội nhập chính là vượt qua được rào cản tâm lý của chính mình”.
Nhen nhóm hành trang cho ngày về
Có mặt tại buổi gặp gỡ đầu năm của OVS, Trần Thu Trang – một cựu DHS Úc và đang là DHS tại Hàn Quốc đã mạnh dạn phát biểu: “Thay vì sự băn khoăn về hay ở trước đây, vấn đề mà DHS quan tâm hiện nay là những chuẩn bị để nắm thời cơ, vượt qua thách thức cùng đất nước bước vào thời hội nhập”. Theo cô bạn trẻ năng động này, những thành tựu đáng kể của nền kinh tế VN trong những năm gần đây, đặc biệt khi VN trở thành thành viên thứ 150 của WTO, thì cơ hội để cống hiến dành cho các bạn trẻ dù DHS hay sinh viên trong nước là vô cùng. Lên internet đọc báo, xem truyền hình hay chuyện trò với bạn bè người thân… là những lúc Trang chuẩn bị để không phải lạ lẫm khi bước chân về nước. Ngay cả đề tài luận án thạc sĩ cũng được Trang chú trọng đến những ứng dụng thực tế vào VN. Khẳng định sự trở về ấy, Trang say sưa: “Dù thiết kế công nghiệp là ngành mới nhưng nhiều công ty VN đang bắt đầu chú trọng đến chất lượng sản phẩm và thiết kế – sự sống còn của sản phẩm khi gia nhập thị trường thế giới. Cơ hội chắc chắn đã có rồi”.
Những chuẩn bị của Trang Nhung – sinh viên ĐH Auckland (New Zealand) cũng rất đáng ghi nhận. Theo học chuyên ngành Quản trị khách sạn quốc tế, những kinh nghiệm thực tế trên thế giới là điều cần hơn bao giờ hết. Từ làm thêm tại các nhà hàng khách sạn, chọn địa điểm thực tập tại Hồng Kông, tranh thủ đi du lịch… thì những lần về thăm nhà cũng là cơ hội ngàn vàng. Chỉ hôm trước hôm sau ngày về, Nhung đã có mặt tại một nhà hàng, khách sạn nào đó. Dù chỉ đến quan sát, để xin được lau chén xếp khăn… với cô tiểu thư đài các này vẫn đáng giá. Ước nguyện khi trở về, với vốn kiến thức và kinh nghiệm học được, Trang Nhung hy vọng sẽ làm nên một trong những thương hiệu VN mà nhiều người phải biết đến trong tương lai. “Dù làm thuê cũng sẽ làm thuê ở VN, và dù làm chủ cũng sẽ làm chủ tại quê nhà, phục vụ cho quê nhà”, Nhung quyết tâm như vậy.
Như lời ông Nguyễn Phi Dũng – một cựu DHS của ĐH Deakin (Úc), hiện là Giám đốc Công ty tư vấn – đào tạo – tuyển dụng nhân sự SHD, kiêm Chủ tịch toàn quốc của Câu lạc bộ DHS Úc đúc kết: “Trước sự lớn mạnh của các công ty trong nước, sự đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp nước ngoài vào VN, nhu cầu nhân sự cao cấp là một vấn đề bức thiết. Vì vậy, cơ hội dành cho các bạn trẻ – những người có năng lực phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng, biết nắm bắt thời cơ, thì chìa khóa thành công chắc chắn nằm trong tầm tay của các bạn”.
(Theo Tuổi Trẻ)