TẾT CỦA DU HỌC SINH
Không chỉ có “hoa tết của quê hương”, bánh chưng, củ kiệu, dưa hành, tết của du học sinh VN tại nước ngoài còn nồng đượm những nỗi nhớ da diết và mong muốn đưa tết Việt đến bốn phương. Hãy cùng TTO chia sẻ những hình ảnh ý nghĩa ấy qua ghi nhận của các du học sinh VN từ Mỹ, Đức, Nga…
Cho yêu thương về bên nhau
Không thể về VN ăn tết, họ đành lên Internet gửi về quê hương chút tết Việt phương xa. Hãy cùng chúng tôi chia sẻ cuộc trò chuyện sau đây:
Đăng Triết – 23 tuổi, năm 3 ngành công nghệ thông tin, Budapest University of Technology and Economics, Hungary.
Đây là lần thứ 4 Triết đón Tết VN tại Hungary. Trường mình đang học hiện có khoảng 50 du học sinh VN, không nhiều lắm nên mọi người quý nhau như anh em.
24 tháng chạp, Đại sứ quán VN tại Hungary có tổ chức đón Tết chung trong cộng đồng người Việt. Cũng xôm tụ lắm, bánh chưng, câu đối, hoa mai, hoa đào đủ cả (hoa giả đấy), bạn trẻ xúng xính áo dài, áo the…
Ngày cuối năm, du học sinh VN chúng mình chia nhau ra chợ mua thức ăn, rồi tỏa đi… tìm bếp nấu. Tiếc nhất là tìm đỏ con mắt cũng không ra một cành mai, cành đào. Lục đục trong bếp một lúc, chúng mình “chế tạo” được một bàn tiệc hoành tráng với thịt gà, củ kiệu, xôi, chè đậu xanh, chả giò, thịt mỡ, dưa hành, nộm, dưa hấu, đặc biệt nhất là mấy chiếc bánh chưng mua ngoài chợ VN. Các món ăn cũng giúp chúng mình… đỡ nhớ nhà!
Lần thứ 4 đón Tết Việt ở Hungary nhưng phút giao thừa, vẫn cứ nôn nao mong ở bên gia đình. Ngay sau giao thừa (0g ở VN là 18g bên Hungary), Triết voice chat sơ sơ… 4 tiếng với cả nhà để chúc Tết, rồi lần lượt nhận lại lời chúc từ mọi người, tưởng như mọi người đang ở ngay bên cạnh mình. Sáng mùng 1 Tết, chúng mình dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị cho… học kỳ mới.
Ngô Quang Hà – năm 2 Tomsk Polytechnic University, TP Tomsk, Nga:
Cũng ngộ, lần thứ 3 Hà đón Tết Việt ở Nga, cảm giác bồi hồi vẫn y như lần đầu. Ở đây có khoảng 170 SVVN, việc chuẩn bị Tết thú vị lắm vì ai cũng xắn tay vào làm! Hấp dẫn nhất là tiết mục gói bánh chưng, rút kinh nghiệm từ mấy năm trước, bánh chưng năm nay gói chuyên nghiệp và ngon hơn hẳn. Mỗi phòng góp vài loại quả, vậy là có hẳn một mâm ngũ quả hoành tráng với… cam, quýt, táo, lê…
Chưng chơi vậy thôi chứ không nhang khói gì cả! Phần vì không có, phần vì đốt nhang, ký túc xá sẽ báo cháy ầm ĩ. Mỗi người có nhiệm vụ làm một món ăn. Kiệt tác của Hà là món dưa chua, vừa chua vừa giòn, thức cả đêm mới làm được đó! Các bạn khác thì làm chả giò, bánh tét, nấu măng…
Công phu nhất là cành đào, cành mai làm từ giấy, vải, bút màu và… cành bạch dương đẹp như thật. Tiếc nhất là không tiếp sóng được VTV4 để xem cầu giao thừa tại VN.
Ngày cuối năm, “cả nhà” quây quần bên bữa cơm đủ các món truyền thống từ Bắc đến Nam. Miệng cười toe toét mà lòng dạ mình cứ thấy hụt hẫng vì nhớ nhà. Ngồi ăn cơm mà ai cũng lấy điện thoại nhắn tin lia lịa cho người thân ở VN. 23g (tức 0g tại VN), nghẽn mạng, không ai gọi hay nhắn tin được về VN, bỗng thấy tha thiết vô cùng một dòng tin nhắn gửi đến gia đình, người yêu, thầy cô, bạn bè… Cậu bạn phòng bên kiên nhẫn “chiến đấu” với mạng điện thoại, cuối cùng, cậu ấy cũng gọi được về nhà lúc 2g ngày mùng 1 rồi nằm lăn ra vì sướng quá…
Đoàn Thị Cúc – học viên khoa Thạc sĩ kinh tế và tài chính, ĐH Queensland, Australia:
Lần đầu đón tết xa nhà, Cúc lẫn lộn nhiều cảm xúc lắm! Cúc đi tìm mua mấy món ngày Tết, tìm mỏi mắt chỉ được… dưa hấu và… dưa hấu! Vậy là ngày cuối năm, cả phòng trọ mỗi người làm một món cho bữa cơm. Cúc làm món chả giò, bánh tráng mua ở khu người Hoa, cuốn bể lên bể xuống, vậy mà được khen nức nở.
Cô bạn người Hong Kong làm món trứng hấp còn bạn người Malaysia làm món satay (thịt bò và thịt gà nướng, ăn với nước sốt đặc biệt). Giao thừa ở VN là 3g sáng bên này, Cúc gọi điện chúc Tết gia đình, họ hàng xúc động lắm, nén khóc và cười thật nhiều vì không muốn gia đình lo lắng. Người yêu gọi đến cho mình, nghe pháo hoa đì đùng, tiếng cười nói rộn ràng, mình bật khóc. Thấy nhớ quá chừng bánh chưng, bánh tét, hạt dưa… mà khi còn ở bên gia đình cứ đến Tết lại bảo ngán không ăn.
Sáng mùng 1 Tết, Cúc mặc quần áo đẹp đến khu người Hoa (China Town) để sống trong không khí Tết. Vẫn chưa hết nhớ, mình lên mạng, tìm hình ảnh hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bánh tét… làm thành slide xem cho đỡ nhớ. Thật mong, Tết năm sau sẽ ở bên gia đình trong những thời khắc thiêng liêng này!
(Theo Tuổi Trẻ)