HỌC Ở SINGAPORE, NHỮNG ĐIỀU TÔI THẤY…
Bắt đầu từ lời mời của Tổng cục du lịch Singapore, tôi có mặt trong đoàn phóng viên và nhà giáo dục quốc tế trong chuyến đi thực tế nhằm tìm hiểu hệ thống giáo dục và đào tạo ở đất nước này. Màu xanh cây cối bao trùm quốc đảo là hình ảnh đầu tiên cũng như sau chót nhìn thấy từ trên máy bay mang lại cảm giác thật bình yên. Nhưng ấn tượng hơn hết, có lẽ là những điều thú vị tôi thu nhận được trong suốt gần 1 tuần ghé thăm các trường học trên đất nước xinh đẹp này.
Tưng bừng các hoạt động ngoại khóa
Có mặt ở Singapore đúng vào tháng 7 – tháng đầy ắp các hoạt động của Ngày hội tuổi trẻ Singapore (Singapore Youth Festival 2006). Ngày hội này được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh tài năng đa dạng của HS – SV Singapore trên các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thể thao và duyệt đội hình đồng phục. Đã 40 năm nay, ngày hội thú vị này đã thúc đẩy học sinh (HS), sinh viên (SV) các trường tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, qua đó phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội, tinh thần đồng đội, hợp tác trong môi trường đa văn hóa. Ngày hội tuổi trẻ này thu hút tới 40.000 HS-SV ở khắp các trường trên đất nước Singapore. Để tăng cường tính chất giao lưu quốc tế, ban nhạc từ các nước bạn, các phóng viên và nhà giáo dục quốc tế cũng được mời tham dự sự kiện này.
Ngày hội tuổi trẻ năm nay có chủ đề “Vươn xa hơn nữa” (Reaching Beyond) với ý nghĩa thúc đẩy tinh thần sáng tạo, trí tưởng tượng, tình hữu nghị và thân thiết, tính chính trực và sự bền chí của tuổi trẻ, vượt lên các giới hạn, mở rộng tầm nhìn để vươn tới những tầm cao.
Có mặt trong lễ khai mạc tại Sân vận động quốc gia Singapore chiều 1/7, tôi bị choáng ngợp bởi sự chuẩn bị công phu, hoành tráng. Cả sân vận động sức chứa trên 60.000 người đầy ắp màu áo HS các trường, cả các bé mẫu giáo cũng được cô giáo dẫn đi để chứng kiến ngày hội của các anh chị lớn. Sân khấu chính với những cánh buồm trắng lớn cách điệu phần phật bay trong gió chiều, thật phù hợp với chủ đề “Vươn xa hơn nữa”. Cả khán đài vỡ tung lên những tiếng vỗ tay khi vị khách danh dự – Thủ tướng Lý Hiển Long – tới chúc mừng. Lễ khai mạc còn thêm phần hấp dẫn với hai ban nhạc đồ sộ đến từ Thái Lan và Malaysia. Màn trình diễn máy bay mô hình và màn bay chào mừng của 5 chiếc máy bay thật trên không đều do các bạn trẻ Câu lạc bộ bay trẻ (Youth flying club) thực hiện. Tiếp sau lễ khai mạc, tổng cộng 20 sự kiện của lễ hội sẽ diễn ra trong suốt tháng 7 này. Có thể nói, chính các bạn trẻ đã phát huy tính sáng tạo, tự tổ chức ngày hội tưng bừng cho chính mình.
Thực vậy, hoạt động bên ngoài lớp học ở Singapore rất được chú trọng, bao gồm các chuyến tham quan nước ngoài theo trường, theo chủ điểm với mục đích học tập cụ thể nhất định; các khóa bồi dưỡng về ngôn ngữ, vốn sống, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa; các câu lạc bộ thể thao… Các hoạt động này bắt buộc ở cấp 2, còn ở bậc tiểu học và trung học, đại học thì rất được khuyến khích.
Bùi Vân Anh, cô bạn 17 tuổi, người Cần Thơ đang theo học tại trường Singapore – Chinese Girls’ School hào hứng kể về câu lạc bộ ca hát và kịch mà mình tham gia. Mới sang Singapore được 8 tháng bằng học bổng ASEAN scholar, Vân Anh hòa nhập rất nhanh chóng với môi trường học tập, cuộc sống và bạn bè nơi đây, một phần cũng nhờ hoạt động ngoại khóa đã tạo môi trường rất thân thiện. Vân Anh kể: “Có rất nhiều câu lạc bộ ngoại khóa để bạn lựa chọn, nhưng khi tham gia bạn phải tập luyện rất nghiêm túc. Để phát triển khả năng bản thân, để thi đấu trong nước và cả quốc tế”. Vân Anh tiếc hùi hụi năm ngoái, vì mới sang, cô bỏ lỡ không tham gia được chuyến biểu diễn của câu lạc bộ trường mình tại nhà hát Sydney, Úc. “Nhưng vẫn còn nhiều cơ hội phía trước” – cô bạn nhỏ nhắn này mỉm cười.
Những ngôi trường đẳng cấp quốc tế
Tới thăm Trường ĐH quản lý Singapore (Singapore Management University – SMU), tôi được cô bạn Phan Cẩm Vân hiện đang học tại đây dẫn đi một vòng dạo… mỏi chân xung quanh ngôi trường bao gồm 4 trường nhỏ: Trường Kinh doanh Lee Kong Chian, Kế toán, Hệ thống thông tin, Kinh tế và khoa học xã hội rộng tới 4,5 héc-ta này.
Các trường đại học lớn của Singapore đều được đặt khá xa khu trung tâm, nhưng riêng SMU muốn tạo lập lợi thế cho trường và cho SV của mình bằng vị trí ngay ở trái tim thành phố, gần khu thương mại, văn hóa, nghệ thuật. Theo ông Darran Hanson, trợ lý giám đốc phòng hợp tác truyền thông của trường, vị trí “đắc địa” này giúp SV có thêm cơ hội trau dồi, tiếp cận với các hoạt động sinh động của nền kinh tế – xã hội, khiến kiến thức nhanh chóng trở thành kỹ năng, kinh nghiệm. SMU được xây dựng theo mô hình Trường đại học Pennsylvania của Mỹ. Năm học 2000 – 2001 mới chỉ có 306 SV thì năm 2006 đã thu hút tới 3.800 SV. Những SV SMU 100% tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng, 65% được các công ty “chọn mặt gửi vàng” khi chưa tốt nghiệp, và tới hơn 75% nhận được trên 2 lời mời làm việc khi vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường.
Vừa đi, vừa giới thiệu về trường… trong chiếc áo sơ mi và váy sẫm màu bó sát, trông tác phong của Cẩm Vân thật chuyên nghiệp. Cô bạn cười giải thích: “Những dịp quan trọng, ví dụ như lên thuyết trình, bọn mình phải mặc trang phục rất nghiêm túc, giày bít ngón… còn bình thường lên lớp thì rất thoải mái, đi dép xỏ ngón cũng chẳng sao. Thư viện rất nhiều sách, mượn thoải mái nhưng phải trả đúng hẹn, nếu không sẽ bị phạt. Khi làm dự án theo nhóm, cần những phòng họp nhỏ làm nơi thảo luận thì phải đặt phòng từ trước, chính xác tới từng giờ sử dụng… Mỗi môn học trên lớp chỉ 3 giờ/tuần nên tự học vẫn là chính. Môi trường học tập vừa nghiêm túc, vừa thoải mái ấy rèn luyện cho bọn mình tác phong làm việc theo kế hoạch vạch sẵn, chính xác mà vẫn linh động”. Hỏi về chi phí học tập tại đây, Cẩm Vân cho biết: “Học phí của trường là khoảng trên 5.000 đô-la Mỹ/năm, sinh hoạt khoảng 400 đô-la Mỹ/tháng. Hiện mình đang thuê nhà ở gần trường, là khu trung tâm nên hơi đắt, nhưng tiện cái là chỉ đi bộ 10 phút đã tới trường. Còn nếu muốn thuê rẻ hơn, tất nhiên nên tìm nhà xa hơn, và đi lại bằng tàu điện ngầm cũng rất thuận tiện”.
Cảm giác thật bất ngờ khi tôi gặp “Góc Việt Nam” tại thư viện của học viện Hwa Chong (Hwa Chong Institution). Những bức ảnh về con người, sinh hoạt, lễ hội của Việt Nam được phóng to dán trên tấm bảng lớn, bên cạnh là một chiếc bàn bày những quyển sách về Việt Nam cùng với sách về những nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Hwa Chong dành cho HS từ 13 – 19 tuổi, tọa lạc trên diện tích rộng tới 72 héc-ta, trong khuôn viên có cả một sân vận động. Thu hút nhiều HS quốc tế là một đặc điểm nổi bật của học viện Hwa Chong. Có tới 2.000 HS hiện đang học tập tại Trường Quốc tế (International school) của học viện, trong đó tới 50% đến từ nước ngoài. Một số HS Việt Nam cũng đang học tập tại đây. Danh tiếng của học viện Hwa Chong còn được biết đến với ban cố vấn quốc tế với 2 người từng đoạt giải Nobel, những giáo sư danh tiếng từ các trường Havard, Princeton, Cambridge… Có tới 46 HS của trường được nhận học bổng của Tổng thống, 7 trong số 15 HS Singapore tham gia kỳ thi Toán và khoa học quốc tế 2005 là từ Hwa Chong, 9 HS mang về 6 huy chương tại SEA Games 23…
Rời Singapore, cây xanh theo những con đường đưa tôi ra sân bay Changi. Đang là tháng 7, hoa tường vi, hoa giấy sắc trắng, sắc hồng nở dọc trên dải phân cách. Bác tài vui chuyện kể về loại cây được trồng nhiều nhất khắp trên các đường phố trên đất nước này. Đó là “cây mưa” (rain tree), ban ngày lá xòe rộng ra che nắng, còn khi mặt trời lặn thì lá cụp xuống, vì thế ánh đèn đường ban đêm ít bị cản lại hơn, đảm bảo ánh sáng ở mức tốt nhất cho xe cộ lưu thông! Có lẽ bên cạnh những điều bổ ích thu nhận được trong những ngày qua, tôi sẽ rất nhớ loài cây đặc trưng của đường phố Singapore này. Đồng bằng sông Cửu Long cũng có lác đác loại “cây mưa”, bà con ta gọi là cây còng.
Phương Nguyên (Theo Thanh Niên)
===================================
Tự hào với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn du học và là đại diện tuyển sinh chính thức của các trường, Edulinks làm hồ sơ du học các nước hoàn toàn miễn phí. Cần tìm hiểu bất kỳ thông tin nào thêm quý phụ huynh và các bạn học sinh có thể liên hệ ngay với Edulinks TẠI ĐÂY hoặc gọi Hotline: 0913 452 361 (Ms Châu) – 0919 735 426 (Ms Chi) để được hỗ trợ tốt nhất.
Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY DU HỌC EDULINKS
CHI NHÁNH TP.HCM
Văn phòng 1: 439 Hoàng Văn Thụ, phường 4, Q. Tân Bình
Văn phòng 2: Lầu 2, số 02 – 04 Alexandre De Rhodes, Bến Nghé, Quận 1
Điện thoại (04) 3718 3654 – 01238686 123
CHI NHÁNH HÀ NỘI
Văn phòng 3: 06 Tây Hồ, P. Quảng An, Q.Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3718 3654 – 0123 8686 123
CHI NHÁNH ĐỒNG NAI
Văn phòng 4: 29/84 KP2, P. Hố Nai, Tp Biên Hòa, Đồng Nai
Điện thoại: 091 941 1221
Email: info@edulinks.vn – Facebook: Du học Edulinks