
CHUYỆN HỌC VÀ CHƠI CỦA NHÓM DU HỌC SINH ACCESS
Với mong muốn giúp các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam hiểu hơn về nền giáo dục nước ngoài, nhóm du học sinh Access đã dành kỳ nghỉ hè 2007 của mình trở về Việt Nam, nói về những điều họ đã nhìn thấy và học được từ những xứ sở xa xôi.
Các bạn trong nhóm Access phần nhiều là những học sinh, sinh viên đang du học ở Hoa Kỳ. Trưởng nhóm Access ở TPHCM, Minh Vũ nói: Các bạn du học sinh mình học chăm mà chơi cũng hết mình, giống như các bạn học sinh các nước thôi.
2 năm đi 10 tiểu bang của Hoa Kỳ
Đó là thành tích của Nguyễn Cao Cường, cậu chàng này sinh năm 1989, năm nay mới vừa tốt nghiệp một trường phổ thông ở Hoa Kỳ. Cường cũng là một thành viên tích cực của nhóm Accsess. Năm tới, với một suất học bổng, Cường sẽ vào học trường Randolph-Macon College bang Virginia (Hoa Kỳ). Thành tích xê dịch này của Cường sau mùa hè này chắc sẽ dày lên thêm bởi Cường còn có ý định đến vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.
Trong hai năm ở xứ người, với sự dẻo dai của đôi chân, qua bao chuyến xe buýt lẫn máy bay, Cường đã đi hết 10 tiểu bang của Hoa Kỳ. Cường kể có lần đi mấy chặng máy bay mà không dám ghé quán ăn vì sợ hết tiền. Ban đêm Cường cứ tìm nhà ga có cảnh sát mà ngủ cho an toàn.
Thời phổ thông, Cường cứ mỗi năm một trường. Lớp 10 là trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Lớp 11, du học tại một trường tư ở Hoa Kỳ.
Từ Việt Nam, Cường bay sang mà không có bạn bè hay người thân nào cả. Đón Cường tại sân bay là gia đình người Mỹ (qua sự giới thiệu của trường đã chấp nhận cho Cường ở chung). Năm sau, để thử sức mình và muốn thay đổi môi trường, Cường vào một trường công và chuyển luôn chỗ ở.
Nhìn hình dáng bên ngoài, trông Cường cũng rất “Tây” với cái đuôi tóc, quần lửng và vóc to con. Cường khoe em là một trong số ít du học sinh hoà nhập nhanh với cuộc sống lạ xứ người. Lúc đầu, Cường cũng phải trải qua một vài cú sốc văn hoá. Nhưng giờ đây, Cường khoái chơi bóng bầu dục – môn thể thao được coi là đặc trưng của Hoa Kỳ.
“Em chỉ chơi ở vị trí nhận và chuyền bóng thôi, vì mình nhanh nhẹn và nhỏ con. Những vị trí khác yêu cầu thể lực dữ lắm. Môn thể thao này cũng giúp em vượt qua những cú sốc văn hóa, hòa nhập nhanh hơn với môi trường học tập và bạn bè mới đó anh ạ” – Cường cho hay.
Đi hết mình, học cũng hết mình
Hai năm học phổ thông ở Hoa Kỳ, Cao Cường cho biết: trường rất chú trọng đến môn lịch sử. Tất cả các môn được học theo kiểu từ tổng quát đến chi tiết.
Còn trưởng nhóm Access tại TPHCM, Minh Vũ kể: những học sinh, sinh viên người Việt du học trên đất Mỹ học rất siêng năng. 2 giờ sáng vẫn có người ở trong thư viện trường. Minh Vũ cũng thế, phải học đêm học ngày để theo chương trình của ĐH Wesleyan University của Hoa Kỳ. Vũ cho biết ở nước ngoài, tự nghiên cứu là chủ yếu.
Theo Vũ, chương trình của Việt Nam cũng không quá nặng nhưng phương pháp học còn chưa được cải thiện nhiều. Hai năm trước, 2005, Minh Vũ là học sinh trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) và đoạt giải nhất cuộc thi viết: “Làm tổng lãnh sự Canada trong một ngày”.
Năm lớp 11, Vũ dừng học một năm để sang Nhật tham gia chương trình giao lưu văn hóa. “Việt Nam mình chưa quen với việc học sinh tạm dừng việc học để tham gia các chương trình giao lưu văn hóa. Trong khi các nước Thái Lan, Singapore đều khá quen thuộc với cách học này. Vì thế khi em trở về học tiếp chương trình 11, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên”.
Minh Vũ đang học năm 2 đại học Wesleyan nên cũng là lúc Vũ phải chọn ngành học cho mình. “Có lẽ em sẽ chọn ngành Kinh tế và Toán học. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ dành ra 3 năm để học thêm một trường Luật, ngành Luật thương mại. Tốt nghiệp, em sẽ làm việc một thời gian ở Hoa Kỳ rồi trở về Việt Nam”.
(Theo Dân Trí)