GHI CHÉP TỪ ĐH BREMEN
Trong chuyến công tác tới CHLB Đức, cộng tác viên VietNamNet đã đến Trường ĐH Bremen, ngôi trường có “tuổi đời” còn khá trẻ nhưng đã đứng trong “tốp 10” ĐH nghiên cứu hàng đầu của nước này. Dưới đây là bài viết của bà Barbara Hasenmuler, nhân viên phòng quan hệ quốc tế nhà trường mà cộng tác viên ghi lại.
Từ sư phạm chuyển sang ĐH định hướng nghiên cứu
Trong những năm đầu thành lập, Bremen chỉ là một trường ĐH sư phạm. Ban đầu, trường chỉ đào tạo giáo viên cho các trường cấp ba ở bang Bremen, nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách giáo dục phổ thông của bang trong những năm bảy mươi của thế kỉ trước.
Sau đó, hội đồng sáng lập trường nhận thấy, để nhận được nhiều đầu tư hơn từ các quĩ nghiên cứu khoa học của bang và của chính phủ Đức, phải định hướng nhà trường trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng.
Cho đến thời điểm hiện nay, trường vẫn tiếp tục đào tạo giáo viên cấp ba các ngành cho bang Bremen và có thể cho cả các bang khác của nước Đức tại khoa Sư phạm và giáo dục khoa học- một trong mười hai khoa của trường. Giữa khoa Sư phạm và giáo dục khoa học với các khoa chuyên về nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn khác có mối liên hệ khá mật thiết.
Ban đầu, các nhà sáng lập trường Bremen nằm ở cánh tả trong hệ thống chính trị của bang Bremen. Đều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến định hướng hoạt động của trường thời gian đầu thành lập.
Tuy nhiên, sau khi chuyển hẳn mô hình trường sang thành trường ĐH định hướng nghiên cứu, các đảng phái chính trị đều nhận thức được vai trò, cũng như giá trị của các nghiên cứu khoa học đã được nhà trường tiến hành và thu được kết quả ứng dụng cụ thể.
Do vậy, cho dù đời sống chính trị của bang Bremen ngày nay có thể có đôi chút biến động, nhưng ngân sách tài chính mà bang phân bổ cho trường luôn khá ổn định và đáp ứng được về cơ bản các nhu cầu của các nghiên cứu khoa học mà nhà trường đang tiến hành.
Nghiên cứu: theo “đơn đặt hàng” của địa phương
Chuyển đổi từ mô hình trường ĐH sư phạm thuần tuý sang, ĐH Bremen có một định hướng nghiên cứu khoa học rõ rệt. Đó là nghiên cứu khoa học phải gắn liền với các vấn đề thực tiễn xuất phát từ thực tế của bang Bremen.
Về học thuật, trường luôn thiết kế các chương trình học tập và nghiên cứu theo định hướng thực hành (practice-oriented), bám sát nhu cầu thực tế và liên chuyên nghành (interdisciplinary).
Về tổ chức quản lý, trường cố gắng tinh giản bộ máy quản lý hành chính và tự do hóa một cách tối đa hoạt động chuyên môn của các nhà khoa học và SV.
Bốn trong số những nghành phát triển nhất của trường là ngành Khoa học biển (Marine Science), Khoa học hàng không (Space sciences), Khoa học xã hội (Social Sciences) và Thiết kế chế tạo máy đều là những khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể của bang.
Bang Bremen rất gần biển Bắc (North Sea), nên các nghiên cứu về đại dương học của trường gắn liền với các vấn đề nảy sinh từ việc quản lý khai tháci nguyên của biển Bắc như các vấn đề về môi trường biển, khai thác bền vững tài nguyên biển.
Ngoài ra, Vườn kĩ thuật (Technological Park) nằm ngay sát khuôn viên của trường là một trong những xuất phát điểm, cũng đồng thời là điểm quay lại thực tế của của các nghiên cứu về công nghệ cũng như kĩ thuật.
Một số lượng đáng kể các công ty trong vườn kĩ thuật đó được thành lập bởi các cựu SV Bremen. Các công ty đó vẫn luôn có mối liên hệ thường xuyên với các cơ sở nghiên cứu của trường.
Ngoài ra, có rất nhiều các viện nghiên cứu trực thuộc trường, chuyên trách nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp tới nhiệm vụ đào tạo của trường.
Các nghành khoa học xã hội, các nghiên cứu cũng xuất phát từ thực tế xã hội của bang Bremen như các vấn đề của người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của bang, vấn đề về bình đẳng giới cũng như vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại…
Các nghiên cứu của khoa giáo dục thì nhằm vào việc cải thiện chất lượng giáo dục của bang như đẩy mạnh nền giáo dục toàn diện, bồi dưỡng lòng say mê khoa học kĩ thuật của học sinh từ các cấp học phổ thông.
Trường có một bảo tàng khoa học thu nhỏ trực thuộc mang tên Universum dành cho việc tiếp đón công chúng, đặc biệt là học sinh phổ thông. Việc này nhằm giúp các em từng bước làm quen với khoa học và dần dần gây dựng niềm say mê khoa học, niền hứng thú khám phá tự nhiên.
Tuyển sinh bằng tiếng Đức và tiếng Anh
Đa dạng hóa thành phần SV trong trường là một việc làm quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu cũng như hợp tác nghiên cứu của trường.
Hiện nay, ĐH Bremen có 15% SV ngoại quốc. Các SV này hầu như không phải chi trả chi phí học tập đáng kể nào khi ra nhập trường cũng như trong suốt quá trình học tập.
Trường ĐH Bremen có hai chương trình học chính bằng tiếng Đức và tiếng Anh.
Đối với cả 2 chương trình này, hồ sơ xin học tại các ĐH ở Đức của SV ngoại quốc sẽ được gửi về một cơ quan chuyên trách tại Berlin. Sau đó sẽ được tạm xét và gửi về các trường ĐH mà ứng viên đăng kí.
Với các chương trình học sử dụng tiếng Đức, trường yêu cầu ứng viên phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định đủ để đáp ứng các yêu cầu trong quá trình học tâp chuyên nghành mà SV muốn theo học. Điều đó có nghĩa là yêu cầu về trình độ tiếng Đức phụ thuộc vào chương trình học.
Ví dụ, đối với các ngành như sinh học hoặc dược học…, trường yêu cầu khả năng ngoại ngữ cao hơn và ứng viên thường phải tham dự thêm một kì thi đặc biệt khác nữa nhằm đánh giá về khả năng ngôn ngữ cũng như tư duy.
Đối với các chương trình học tiếng Anh cũng tương tự. Trường xét tuyển dựa vào các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Barbara Hasenmuler (nhân viên phòng quan hệ quốc tế ĐH Bremen) – Phạm Ngọc Duy (ghi)
( Theo Vietnamnet )