Học mà chơi
Khởi hành từ sáng sớm, đến giữa trưa đoàn SV năm cuối ngành quan hệ quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã có mặt tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Chẳng kịp ăn trưa, họ hối hả đến trụ sở Đại sứ quán VN theo lịch hẹn. Ngài đại sứ Nguyễn Chiến Thắng xuất hiện với nụ cười rất tươi.
Từng SV đặt ra những vấn đề họ quan tâm: hỗ trợ kiều bào, công tác lãnh sự, đàm phán cắm mốc biên giới… Ai cũng chăm chú lắng nghe, ghi chép vào sổ tay, một số SV còn ghi âm, chụp ảnh. Chưa “đã”, chín nhóm SV lại tiếp tục “quay” các cán bộ sứ quán chuyên trách để phỏng vấn chuyên sâu các nội dung liên quan đến đề tài thực tập. Cuộc gặp gỡ kéo dài đến tận 18 giờ, bụng ai cũng đói lả.
Nơi trang hoàng lộng lẫy nhất là hoàng cung với hơn 20 cung điện lớn nhỏ, bên trong trưng bày hàng ngàn vật dụng bằng kim loại quí được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Nhiều SV chăm chú nghe thuyết minh, một số mải mê chụp ảnh kỷ niệm. Trái ngược với cảm giác yên bình chốn hoàng cung, ai cũng lạnh người khi đến tham quan di tích nhà tù Toul Sleng. Dưới chế độ diệt chủng Khơme Đỏ, nơi đây từng cầm tù và sát hại hàng chục ngàn người, ngay trong khuôn viên di tích vẫn còn mộ của 14 nạn nhân chết thảm cuối cùng của chúng.
Tại “thành phố du lịch” Siem Reap, các SV đã bị chinh phục bởi các vũ điệu apsara đầy ma lực. Các SV còn bị thu hút bởi những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, đặc biệt là câu chuyện về một thời đế chế Angkor huy hoàng.
Chơi mà học
Chuyến “du học” đến đất nước chùa tháp của họ đã được chuẩn bị từ hơn một năm trước. Hồi đầu, một số SV không mặn mà vì cho rằng “phải đến các nước phát triển mới học hỏi được nhiều”. Chưa hết, khoản phí 150 USD/người cũng là vấn đề nan giải của không ít SV đến từ các tỉnh. Nhưng với các SV trẻ, chẳng có việc gì khó. “Tôi phải kiếm thêm một mối dạy kèm, dành dụm cả năm trời mới đủ” – một SV cho biết.
“Chỉ riêng chuyện lễ tân ngoại giao thôi cũng đã có nhiều điều để học”, SV Mỹ Hạnh cho biết. Cô gái này tỏ ra đặc biệt thích thú cách tổ chức các buổi “ăn ngoại giao” rất bài bản của sứ quán. Còn các SV khác tới bây giờ mới biết hàng núi công việc không dễ dàng mà các cán bộ ngoại giao phải làm. Câu chuyện về cuộc đời đi sứ của các cán bộ ngoại giao cũng giúp SV có cái nhìn đầy đủ hơn về nghề nghiệp tương lai.
Rất nhiều bài học họ có được từ chuyến đi, như chuyện hòa nhập lối sống tập thể, ý thức tự giác tuân thủ kỷ luật chung, kỹ năng nói trước đám đông, chuyện làm du lịch của nước bạn…
(Theo Tuổi Trẻ)