DU HỌC… HỌC ĐỎ ĐEN
Trong 2 năm du học ở Anh, Tú đã chi hết 20.000 bảng vào những trận cá độ bóng đá qua nhà cái William Hill. Không có đủ tiền để chi phí cho việc ăn ở, sinh hoạt, Tú phải đi làm thêm rất nhiều để trang trải. Kết quả là 4 năm rồi cậu mới học năm thứ 2.
Khi còn ở Việt Nam, Tú học vào loại khá, ở nhà có thể coi là cậu con ngoan trừ niềm ham mê bóng đá đôi khi ảnh hưởng đến chuyện học tập. Tuy nhiên, chuyện cờ bạc thì chưa bao giờ Tú vướng phải.
Thi ĐH suýt nữa thì đậu, sẵn có điều kiện, bố mẹ Tú cho con đi Anh du học luôn. Tới đất nước quê hương của bóng đá, Tú như cá gặp nước, nhanh chóng tìm được “đồng đội”, thả sức xem bóng và chẳng mấy chốc bị lôi kéo vào những trò cá cược đỏ đen.
Ban đầu chỉ là “chơi cò con”, “chơi cho vui”, cá với bạn bè cho thỏa chí tò mò, dần dà Tú theo đàn anh lên mạng, vào website của nhà cái nổi tiếng William Hill để cá độ.
Những cuộc gọi điện về “tâm sự” với mẹ của cậu con cưng ngày càng nhiều. Bố mẹ thương thằng bé “phải sống ở nơi đắt đỏ hàng đầu thế giới” nên thường xuyên gửi thêm tiền sang cho con.
Có tiền, lại cay cú muốn gỡ gạc, Tú bỏ nhiều buổi học để lên mạng đánh bạc. Bố mẹ Tú bắt đầu nghi ngờ về việc chi tiêu quá mức của cậu nên cắt giảm viện trợ. Tú bắt đầu lâm vào nợ nần, phải đi làm thêm rất nhiều để trang trải.
Sau 4 năm sang Anh, Tú trầy trật mới học xong năm thứ 2. Bây giờ, mỗi ngày Tú phải trốn đi làm thêm đến mười mấy tiếng rất cực nhọc để kiếm tiền trang trải, việc học ngày càng trì trệ khiến cậu không thể biết đến khi nào mình mới tốt nghiệp.
Chuyện du học sinh bị cuốn vào vòng đỏ đen tuy chưa thành tệ nạn nhưng không phải là chuyện hiếm ở hầu hết các nước. Ở Nga, những ông chủ người Việt ở chợ Vòm thi thoảng vẫn tặc lưỡi nhận những sinh viên đồng hương làm cửu vạn hay đứng quầy bán hàng như một cách “giúp đỡ những đứa em sa cơ lỡ vận”.
Theo anh Duy, chủ một kiốt buôn bán hàng quần áo khá lớn ở chợ Vòm, một số sinh viên người Việt học ở Matxcơva cũng bị dính vào cờ bạc đến mức nhẵn túi, phải mò ra chợ xin việc làm.
Nhìn những cậu sinh viên Việt Nam sức vóc nhỏ bé vì đói, da dẻ xanh xao sau nhiều đêm thức trắng để “tính toán”, các chủ hàng cũng ngán ngẩm lắm. Nhưng sau một hồi nghe các cậu năn nỉ, ỉ ôi, tình đồng hương khiến họ lại đồng ý nhận vào làm thêm để “giúp chúng nó ổn định cuộc sống mà học hành”.
Mấy tháng trước, anh Duy phải cưu mang một cậu “em dại” tên là Hùng như thế. Sang Nga học được 4 năm, sắp tốt nghiệp thì Hùng nợ nần chồng chất vì cờ bạc. Bị đình chỉ học tạm thời, Hùng chẳng còn cách nào khác là kiếm việc làm thêm để nuôi sống bản thân, học thi trả nợ môn và cố đợi đến lúc được quay lại trường học nốt.
Tuy nhiên, cái vòng luẩn quẩn đỏ đen vẫn không tha cho cậu sinh viên đã ngấm mùi cờ bạc. Ra chợ, tiếp xúc với đủ loại người, trong đó có không ít chủ kèo, nhà cái… Hùng lại nhấp nhổm mong gỡ bạc… Kết cục là cậu càng lún sâu vào sai lầm, tiếp tục nợ nần chồng chất và suốt ngày phải chui lủi trốn chủ nợ.
Nhưng chợ búa không như trường học, Hùng liên tục bị các “anh hai” đến rằn mặt, dọa đánh, bắt làm thuê trả nợ suốt đời nếu không lo đủ tiền trả nợ bạc. Anh Duy, chủ cửa hàng nơi Hùng đang làm thuê, chán quá và cũng không muốn dính vào những vụ việc bất lợi, đành phải đuổi việc Hùng.
Tuy chưa có điều kiện khảo sát xem lưu học sinh Việt Nam ở nước nào dính vào đỏ đen nhiều nhất nhưng theo ý kiến bạn Trung viết trên diễn đàn SVduhọc, ở Anh, tình trạng sinh viên chơi cá độ rất phổ biến và những người mê muội đến mức nợ nần, bỏ học… không phải là ít.
Theo một số bạn cựu du học sinh từng học ở Singapore thì sinh viên Việt Nam ở nước này cũng máu mê không kém… Đa số những con bạc trí thức này là những cậu ấm con nhà giàu, đi du học tự túc và “du” có phần nhiều hơn “học”.
Ở Việt Nam, họ chơi và phá trước sự bất lực của các bậc phụ huynh nên được đẩy đi du học. Với các ông bố bà mẹ này thì đây là một cách đùn đẩy trách nhiệm giáo dục con cái cho xã hội một cách “sang trọng và sành điệu” nhất mà họ có thể làm được. Hậu quả là các con bạc trẻ này ngày càng lấn sâu hơn vào vòng đỏ đen, việc học hành bê trễ và để lại nhiều tiếng xấu cho cộng đồng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.
(Theo Ngôi Sao)