
DU HỌC ANH: HÃY CHỌN CÁI TỐT NHẤT!
Nếu có thể, hãy chọn cái tốt nhất
Thường khoảng 5 năm một lần, các trường đại học ở Anh quốc sẽ có một đợt xếp hạng. Khi được lên bậc, đó là niềm tự hào của các trường, chứng minh uy tín của mình. Bảng xếp hạng đánh giá từng khoa trong trường. Điểm đánh giá từ 1 đến cao nhất là 5*. Có những trường hầu như tất cả các ngành đều 5 hay 5* như Oxford, Cambridge, Imperial College London… Ngược lại, cũng có những trường không tìm được một ngành xếp 5*. Vì vậy bên cạnh việc chọn trường, hãy dành một sự quan tâm đáng kể cho việc lựa chọn ngành. Có những trường tuy thứ hạng không cao nhưng một số ngành học lại được đánh giá rất cao. Trong trường hợp này, chúng ta nên ưu tiên chọn ngành hơn chọn trường.
Tất cả những thông tin về việc xếp hạng các trường đại học ở Anh quốc có trong một số trang web như:http://www.hefce.ac.uk/research/rae và http://www.hero.ac.uk/rae, http://www.rae.ac.uk, hoặc trên bảng xếp hạng hằng năm của một số báo lớn ở Anh như tờ Guardian ( http://education.guardian.co.uk/universityguide2006 ). Những thông tin này cực kỳ quan trọng để thí sinh chọn trường vì trong thực tế có không ít thí sinh do không biết thông tin nên đăng ký vào những trường không tốt lắm.
Nếu học sau đại học, đặc biệt làm nghiên cứu sinh, chúng ta quan tâm trước hết đến vai trò của người hướng dẫn (supervisor). Ở đây, uy tín của một giảng viên, một giáo sư đại học được đánh giá bằng những điều hết sức cụ thể: công trình khoa học, bài báo khoa học đã công bố, số lượng dự án và tiền tài trợ nghiên cứu khoa học. Có những người nói đùa là giảng viên nào càng kiếm được nhiều tiền tài trợ thì càng dễ lên giáo sư. Đùa nhưng điều đó nói lên sự thật rằng khi uy tín của một giảng viên lên cao, họ càng dễ nhận được tiền tài trợ từ các công ty lớn, các tổ chức để thực hiện các dự án nghiên cứu. Nếu được những người này hướng dẫn, chắc chắn bạn sẽ có nhiều cơ hội tiếp thu những điều mới trong nghiên cứu. Đó là chưa kể nếu tính đường xa, bạn lại càng có nhiều hy vọng tìm học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ (post doc) do những dự án mà vị giáo sư này tìm được.
Bậc đại học ở Anh chỉ đào tạo 3 năm, thạc sĩ thường có chương trình chỉ 1 năm. Hiện nay, các trường đang có kế hoạch chỉ đào tạo đại học trong 2 năm nhằm làm giảm chi phí cho sinh viên. Thậm chí có trường đã thực hiện kế hoạch này.
Có đủ sống ở một nước quá đắt đỏ?
Quả thật mức sống ở Anh, đặc biệt là một số thành phố thuộc “tam giác vàng”: London, Oxford, Cambridge hết sức đắt đỏ nhưng nếu có kinh nghiệm và biết tiết kiệm thì chúng ta cũng sẽ sống được. Theo một cuộc điều tra gần đây thì các thành phố có chi phí phù hợp với sinh viên nhất gồm: Cardiff, Leeds, Coventry, St.Andrews và Manchester. Ngược lại, các thành phố ít phù hợp chi phí: Cambridge, Durham, Aberdeen, Oxford, Sheffield. Chẳng hạn một sinh viên ở Cardiff chi khoảng 188 bảng/tuần cho tiền nhà và ăn ở nhưng họ có thể kiếm được 131 bảng từ công việc part-time. Trong khi đó, một sinh viên ở Cambridge phải chi 206 bảng/tuần nhưng chỉ có thể kiếm được 69 bảng cho việc làm thêm.
Nếu ở xa trường thì bạn nên cố gắng tìm mua một chiếc xe đạp. Ở Anh, vé xe buýt không rẻ, ngay cả người bản xứ cũng phàn nàn về chuyện này. Mua xe mới thì rất đắt, mọi thứ sẽ có ở chợ “second hand” (dân Anh thường gọi là “Car boot sale”). Một thời gian ngắn, chắc chắn bạn sẽ tìm ra một khu chợ “second hand” gần nhất và bạn sẽ ngạc nhiên vì thượng vàng hạ cám gì cũng có ở đó, giá cả phù hợp với sinh viên. Thời gian mới qua, bạn nên ở ký túc xá nhưng khi quen dần, có thể tìm thuê nhà chung với một số sinh viên khác để giảm chi phí lưu trú. So với các khoản khác, có thể nói, tiền nhà là khá cao.
Không nên thường xuyên ăn món ăn Việt Nam! Nghe có vẻ buồn cười nhưng đây chính là một trong những yếu tố giúp bạn vẫn giữ sức khỏe để học tốt mà lại tiết kiệm tiền. Thức ăn, rau quả Việt Nam sẽ có ở các khu chợ Tàu hoặc cửa hàng người Pakistan nhưng giá cả thì ở trên trời. Một bó rau muống nằm gọn trong một bàn tay tính ra tiền Việt Nam gần 150 nghìn đồng! Chỉ những thứ cần thiết như nước mắm, gạo… thì phải mua, còn những món ăn Việt Nam, bạn hãy đợi một dịp trọng đại nào đó như lễ tết, tiếp bạn bè hãy mở hầu bao. Ngược lại, những món ăn tây như spaghetti, pasta… sẽ rất rẻ nếu bạn chịu khó chế biến. Nhìn chung mọi thứ ở đây đều đắt, như một mớ hành lá cũng gần 15 nghìn đồng Việt Nam, một trái dưa chuột hơn 20 nghìn. Thời gian đầu hầu như bạn sẽ không dám mua thứ gì vì cứ tính ra tiền Việt Nam là quá hãi hùng. Nhưng rồi bạn sẽ quen với tất cả và đến một lúc nào đó bạn quên quy ra tiền Việt Nam thì mọi thứ sẽ đi vào ổn định.
(Theo Thanh Niên )