ĐH MỸ: CẢ HỆ THỐNG MIỆT MÀI “CUNG PHỤNG” SINH VIÊN
Một ngày trước khi đến thăm ĐH Columbia tại thành phố New York, tôi dành thời gian lang thang trên trang web của trường. Giữa bạt ngàn những con chữ và các bức ảnh được sắp xếp khoa học và hấp dẫn, tôi chú ý đến buổi giới thiệu thông tin cho các sinh viên tương lai, theo sau là tour tham quan khuôn viên trường, được tổ chức đều đặn 2 lần mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6 (một lần vào thứ 7) trừ những ngày đặc biệt có ghi chú rõ ràng.
Chọn trường kiểu “trịch thượng”
Chưa từng nghe nói đến, cũng không thể tưởng tượng những nội dung gì sẽ được đề cập trong 1 giờ đồng hồ định sẵn kia, tôi đóng vai một học sinh lớp 10 tìm đến ĐH Columbia nửa tiếng trước buổi giới thiệu lúc 10h sáng, dự định nếu có lạc cũng còn đủ thời gian tìm đường.
Trước mắt tôi, ĐH Columbia là một khuôn viên cổ kính và xinh xắn, nằm vuông vắn giữa những dãy phố xếp theo hình bàn cờ của khu Morningside Heights, đảm bảo không thể đi lạc. Đường từ cổng chính vào quảng trường trung tâm, tôi đi giữa hai hàng anh đào đang độ rực rỡ nhất. Sân trường giống một công viên lớn, nơi các bạn sinh viên nằm dài tắm nắng giữa những bãi cỏ xanh, hay mắt dán chặt vào những cuốn sách dày nơi bậc thềm lên tòa nhà cổ. Những tòa nhà ấy dễ khiến ta liên tưởng đến một nhà lưu niệm hay lăng tẩm hơn là thư viện cổ, nay là khu trung tâm dành cho khách viếng thăm.
Không dưới 60 gương mặt đủ già trẻ lớn bé đã có mặt trong căn phòng lớn như hội trường, nơi cô Joanna May – một thành viên của ban tuyển chọn, giới thiệu những thông tin thú vị về ĐH Columbia và cách tuyển sinh của trường.
Trong khi phụ huynh quan tâm nhiều đến điều kiện ăn ở, an ninh của trường, quy mô lớp học thì thu hút sự chú ý của các sinh viên tương lai lại là trường có những hoạt động gì, những môn thể thao nào là thế mạnh… Duy có điều kiện tuyển chọn và hỗ trợ tài chính của trường thì ai cũng “ghi chép” rất cẩn thận (dù mọi thông tin đã có đầy đủ trên trang web).
Phần tự giới thiệu của các sinh viên tiềm năng thật sự khiến tôi “choáng”. Bởi những gương mặt rất nghịch ngợm kia không chỉ đến từ thành phố hay tiểu bang New York mà từ khắp nơi trên nước Mỹ, từ cả những thành phố mà khoảng cách không cho phép lái xe như Los Angeles, Seattle, Chicago, Iowa… Cứ tưởng tượng, một cậu bé từ Cà Mau khăn gói ra tận Hà Nội để tận mắt nhìn khuôn viên ĐH Bách khoa trước khi đăng ký nguyện vọng (!)
Khoảng cách “giữa hai đầu nỗi nhớ” này xem ra chưa thấm tháp vào đâu so với những chuyến bay từ Canada, thậm chí từ Anh, Italia đến New York chỉ để thăm trường.
Quá tò mò, tôi không thể không bắt chuyện để hỏi họ lý do phải “vượt đại dương” đến những buổi giới thiệu chỉ có 1 tiếng đồng hồ kia. Và, câu trả lời luôn là “để xem có thích không gian của trường không? Có thoải mái khi học trong giảng đường không? Có… không”.
Rất nhiều bạn trẻ từ California đến buổi giới thiệu của ĐH Columbia (New York) và rủ nhau sẽ nộp đơn vào trường vì một lý do “phi học thuật”: cảm thấy thoải mái khi đi dạo trong campus (canpú), thích được sống tại New York. Ngược lại, có cô bé hào hứng bảo tôi: “Em cứ sợ không khí trong trường ồn ào sẽ khó tập trung học, nhưng campus của trường yên ắng thế này thì em sẽ nộp đơn vào ngay”.
Trước thắc mắc của tôi, rằng California có rất nhiều trường ĐH hàng đầu nước Mỹ như Stanford, UCLA, Caltech, sao phải bay xa thế, cô bé cười giòn tan “Lớn rồi, phải đi học xa nhà để khám phá cuộc sống chứ chị”.
Nghèo nên phải rời Bỉ qua Harvard học!
Tôi gặp Thomas Lambert tại buổi giới thiệu thông tin cho sinh viên tương lai của ĐH Harvard. Ấn tượng vì gương mặt thông minh, đôi mắt sáng ánh lên sự tự tin không cần che giấu.
Thomas đang học tại một trường trung học lớn của Bỉ. Trong khi các bạn đồng môn đang gấp rút ôn thi học kỳ, cậu lại xin nghỉ học hơn 1 tuần để cùng bố bay sang Boston, dừng chân đầu tiên tại ĐH Harvard, rồi 2 bố con thuê xe lái vòng vòng, thăm gần đủ các trường hàng đầu nằm trong nhóm Ivy League như Yale, Princeton, Darmount, Brown, Cornell, thêm MIT, trước khi quay lại Harvard.
Đến mỗi trường, 2 bố con sẽ nghe buổi giới thiệu thông tin, đi tour tham quan trường, sau đó sẽ dành thời gian thử nghiệm ký túc xá, nhà ăn, thư viện, khu thể thao, vào giảng đường…
Tất cả đều được quan sát chu đáo, ghi chép cẩn thận để chọn trường phù hợp nhất với tính cách của Thomas, mà theo bố cậu diễn tả là “lãng mạn, yêu thiên nhiên, ham khám phá và có ước mơ được cống hiến”.
Cứ nghĩ gia đình Thomas phải giàu lắm thì bố con cậu mới bỏ công sức và tiền bạc cho chuyến đi “xa xỉ” này. Nhưng đây là lời thú nhận của bố cậu bé: “Thomas nhất quyết nộp đơn vào các trường trong khối Ivy League vì các ĐH hàng đầu này sẽ cấp học bổng cho sinh viên nghèo đủ điều kiện vào trường”.
Định nghĩa “nghèo” của Harvard là thu nhập gia đình dưới 60.000 USD mỗi năm, còn của Yale là dưới 45.000 USD. Nghĩa là, nếu được Harvard hay Yale nhận, sinh viên Việt Nam hầu hết sẽ được nuôi ăn học đủ 4 năm hoàn toàn miễn phí.
Hỏi Thomas sẽ nộp đơn vào trường nào (hôm sau cậu sẽ về lại Bỉ), cậu cười hiền: “Em thích nhất Princeton, thứ nhì là Yale, thứ ba mới đến Harvard. Em sẽ phải nộp đơn vào nhiều trường hơn, nhưng mong sẽ được Princeton hay Yale nhận. Còn nếu học Harvard, em sẽ đăng ký vài môn bên MIT”.
Có đủ khả năng để tự tin nộp đơn toàn các trường hàng đầu như thế, tôi tin Thomas sẽ thành công. Chỉ thấy chạnh lòng, bởi sinh viên Việt Nam có mấy ai nghĩ phải đến thăm khuôn viên trường trước khi đăng ký nguyện vọng? Mà có đến thăm, liệu có thấy nhiều không sự khác biệt trong khuôn viên, trong ký túc xá, trong các tiện nghi tạo nên không gian sống, làm nên “thương hiệu” riêng của mỗi trường?
“Nhất cử lưỡng tiện”
Trong buổi nói chuyện về Việt Nam tại ĐH Harvard, Giáo sư Mark Sidel không dưới 3 lần nhắc đến Phạm Hồng Nhung – cô sinh viên năm 3 chuyên ngành quản lý nhà nước – như một người cộng sự đắc lực đã giúp ông tìm dẫn chứng cho bài nói chuyện, và hiểu sâu hơn về Việt Nam. Hỏi ra mới biết, Nhung là trợ lý nghiên cứu của vị giáo sư thỉnh giảng đến từ ĐH Iowa này.
– Được giáo sư danh tiếng nhận làm trợ lý nghiên cứu, chắc Nhung phải giỏi lắm?
– Không phải đâu – cô bé cười nhẹ – Sinh viên bọn em làm trợ lý nghiên cứu cho các giáo sư khá nhiều. Em bắt đầu công việc này với một GS khác từ năm thứ 2, còn năm nay GS Sidel đến Harvard thì em làm cho bác ấy. (Tiếng “bác ấy” được Nhung lặp lại rất nhiều lần với giọng nói rất trìu mến).
– Thời gian làm việc có gò bó không?
– Rất linh hoạt. Bình thường em làm từ 10 -15 tiếng mỗi tuần, nhưng khi bận rộn thì chỉ làm 5 tiếng thôi.
– Không lẽ, học bổng toàn phần của Harvard không đủ cho em trang trải chi phí sinh hoạt?
– Thoải mái chị ạ, có cả tiền tiêu vặt nữa. Nhưng trường vẫn “đòi hỏi” sinh viên đi làm thêm, làm nhiều để tiêu nhiều mà. Hơn nữa, bọn em học rất nhiều từ những công việc ngoài giờ đấy chị.
“Chỉ cần lần trang thông tin của trường, tha hồ chọn lựa, nếu nhanh chân sẽ có công việc thú vị mà nhàn nhã” là lời khẳng định của Tuấn, cậu sinh viên năm nhất tôi có dịp tiếp xúc ở ĐH St. John’s, khi Tuấn “canh gác” khu ký túc xá tôi được ưu tiên tá túc. Một tuần, Tuấn làm việc 20 tiếng, làm không chỉ để kiếm tiền mà còn muốn tìm hiểu phong cách làm việc kiểu Mỹ và có thêm cơ hội giao tiếp.
Vòng quanh khuôn viên trường, đâu đâu cũng thấy các bạn sinh viên làm việc với vẻ rất hào hứng. Phục vụ trong nhà ăn, tính tiền trong nhà sách, trông nom thư viện… là những gương mặt trẻ trung, nhiều hoài bão. Hướng dẫn viên du lịch cho những tour tham quan trường cũng là các bạn sinh viên. Muốn vào được ký túc xá cũng phải qua cửa do các bạn sinh viên kiểm soát. Chưa kể những công việc theo thời vụ như kiểm soát vé vào cửa cho các sự kiện văn hóa thể thao được tổ chức trong trường.
Sinh viên có thêm thu nhập, trường khai thác được nguồn lao động dồi dào, quả là… nhất cử lưỡng tiện.
Theo VNN