CHUYỆN Ở PHI TRƯỜNG
Phi trường Tân Sơn Nhất một ngày giữa tháng 2, tôi chạy như con thoi từ ga đi đến ga đến và ngược lại. Cảm xúc dâng tràn, cái cảm xúc được lan truyền mạnh mẽ từ những giọt nước mắt chia ly, những nụ cười của ngày đoàn tụ.
9h30: Nam Thắng từ giã gia đình sang Malaysia theo học khóa học về Quản lý khách sạn trong 4 năm; 10h: Phương Huyền trở về từ Philippines sau hơn 3 năm; 15h: Hoài Phương khóc tức tưởi trước khi sang Canada học chuyên khoa Marketing, 23h: Thế Phong rời vòng tay ông bà ngoại sang Pháp tu nghiệp y khoa…
Nước mắt ở ga đi
Tôi nhớ cách đây khoảng 4 năm về trước, hôm tiễn người bạn thân sang Mỹ du học. Cả gia đình tiễn đi buồn như nhà có đám tang, chỉ duy nhất ba của Nhã Vy – tên của cô bạn gái ấy là tỏ ra lạc quan khi nói “Đi là để rạng rỡ ngày về. Đi học chứ có ra pháp trường đâu mà cả nhà khóc kinh thế”.
Vậy mà đến khi cô nàng bước vào phòng cách ly để làm thủ tục, người đàn ông cứng cáp cách đấy khoảng 30 phút, giờ gục đầu vào vai cậu em Vy nức nở. Có cuộc chia tay nào mà chẳng buồn, dẫu biết đi là rạng rỡ ngày về.
Và bây giờ cũng vậy, phía cuối góc ga đi, có cậu thanh niên giấu mặt xuống thanh ban – công khóc tấm tức. Cô người yêu xoa lưng an ủi “Thôi, nín đi anh. Chắc giờ này nó lên máy bay rồi”.
Hỏi ra mới biết Bảo Duy mới vừa tiễn người em gái út sang Singapore học. Quê Duy ở xa, mẹ lại bị bệnh tim, ngày em gái ra phi trường ba Duy sợ nếu để mẹ đi lỡ có xảy ra tình huống xấu thì cô em lại đi không được. Vậy là ông bà cụ đành ở nhà, Duy tiễn em mình đi học.
Chuyến bay từ TP.HCM đi Singapore khởi hành lúc 10h45, mà đến giờ là gần 14h chiều Duy vẫn chưa thể nhấc chân đi khỏi khu vực ga. “Từ nhỏ đến lớn hai anh em thân thiết với nhau lắm. Trước ngày nó đi, đã tự nhủ lòng khi tiễn đừng có khóc để nó qua đó học cho yên tâm. Tuy nhiên khi đặt chân đến đây, nhìn cái dáng nó làm thủ tục trong phòng lạnh, tự nhiên nước mắt lại trào ra”.
Cũng đi Singapore, nhưng khác chuyến bay là Phương Thành, quê ở tận Bạc Liêu. Để tiễn Thành đi học gia đình đã phải thức dậy lúc 1h đêm, ngồi xe còng cả lưng mới đến Tân Sơn Nhất.
Bà ngoại của Thành vừa móm mém nhai trầu, vừa tranh thủ liên tục nựng thằng cháu sắp ra nước ngoài học. Rồi bỗng bà rưng rưng “Không biết lần sau con về, bà ngoại còn sống hay đã mất (?)”.
Cả nhà phải xoay quanh bà cụ, an ủi rằng, từ Singapore về Việt Nam đi máy bay chỉ mất khoảng 1 giờ 45 phút, rồi để bà cụ yên tâm hơn, ba Thành hứa là cứ 6 tháng nếu có kỳ nghỉ giữa khóa học sẽ cho Thành về Việt Nam thăm gia đình.
Đến giờ vào làm thủ tục lên máy bay, bà cụ cứ nắm chặt tay Thành khóc mếu máo, hai người một già một trẻ thi nhau chảy nước mắt.
“Ngoại ở nhà ráng giữ gìn sức khỏe, nha ngoại”. “Con đi ráng học nha. Qua bển mà có khổ quá thì về quê, rồi ngoại nói ba mày cho lên Sài Gòn học cũng được”.
Ngay trước lối vào dành cho hành khách, Thế Anh đang bận rộn với những cái lôi kéo từ bạn bè. Hết người này gọi đến chụp ảnh chung đến nhóm khác réo hỏi xem còn tiền Việt không, nếu còn thì đưa họ… xài giúp cho chứ qua bển thì đâu cần dùng tiền Việt nữa.
Thế Anh đã tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM cách đây hơn 3 năm, đi làm một thời gian Anh nung nấu ý định sang Đức học cao học Quản trị Kinh doanh.
Được sự ủng hộ của gia đình, ngoài giờ đi làm Thế Anh liên tục lướt Net để tìm hiểu về thông tin học bổng. Dịp may đến, Thế Anh đủ tiêu chuẩn được nhận học bổng bán phần. Vậy là hôm nay Thế Anh lên đường sang Đức.
Gần 30 phút sau một nhóm bạn trẻ khác cũng chuẩn bị lên đường sang Úc. Nhóm bạn này cùng làm hồ sơ chung tại một công ty du học nên được xếp chung chuyến bay, chỗ ở, trường học tại Úc.
Đi theo diện “đông dân” nên mỗi bạn được công ty ưu ái tặng một bó hoa lan tím rất đẹp. Hoa thì tươi, mà nhìn đôi mắt đỏ hoe của người thân, miệng bạn nào bạn nấy không hẹn mà gặp đều méo xệch.
Tiếng loa gọi những hành khách đáp máy bay đi Úc chuẩn bị vào làm giấy tờ, cả một góc phi trường òa lên tiếng khóc của năm gia đình cùng lúc.
Nụ cười ga đến
Trái ngược hoàn toàn với nỗi buồn ga đi, những người chờ đón người thân tại ga đến ai cũng cười thật tươi và háo hức. Cô Lan, quê ở Bến Tre lên đón con mình trở về từ Nhật cho biết “Nó học bên đó được hai năm rồi. Đáng lẽ là về trước Tết, nhưng mà do bận cái gì đó nên sau Tết mới về được. Tội nghiệp thằng nhỏ, qua đó mỗi lần email cho cô đều than, con thèm canh bí nấu với nước dừa quá, má ơi!”.
Đáp ứng nguyện vọng đó, ngay từ hôm qua cô đã mua hơn chục trái dừa xiêm tươi về để ở nhà sẵn, chỉ cần cậu quý tử về đến Bến Tre là sẽ được uống nước dừa và ăn canh bí mệt nghỉ.
Phương Huyền trở về từ Philippines sau khi học xong khóa chuyên sâu về Thần học. Vừa ra khỏi phòng lạnh, bỏ cả hành lý lại trên lối đi cô chạy đến ôm chầm lấy từng người thân trong gia đình, nước mắt lăn dài trên má.
Sau khi tiễn Huyền ra taxi, tôi trở lại với gia đình của Bảo Ngân. Cả nhà đang đứng ngồi không yên khi mà chuyến bay của Ngân trễ đã hơn 4 tiếng đồng hồ.
“Không biết có chuyện gì không nữa? Chứ nó báo ra đón lúc 13h, mà bây giờ gần 5h chiều rồi vẫn chưa thấy xuống”, ba Ngân lo lắng. “Chắc là bị kẹt chuyến bay như lần trước thôi, có gì mà phải sốt ruột”, chú Tư của Ngân an ủi.
Ngân học ở Mỹ đã được gần 4 năm, đây là lần thứ hai cô về VN thăm gia đình. Lần đầu tiên về VN, Ngân bị kẹt chuyến bay phải quá cảnh ở phi trường Changi tại Singapore gần 7 tiếng, báo hại cả nhà suýt lên cơn tim tập thể.
17h30, Ngân ra khỏi phòng lạnh, có tiếng ba Ngân thở phào nhẹ nhõm. Lần này thì không phải bị kẹt ở Singapore nữa, mà phải chờ máy bay tiếp nhiên liệu ở Đài Loan hơi lâu.
“Sao con không đi hãng máy bay cũ, mà mua vé đi hãng mới chi cho kẹt tiếp vậy?”, ba Ngân trách. “Có sao đâu ba. Mỗi lần quá cảnh ở một phi trường khác, lại thấy thêm nhiều điều lạ. Quan trọng là bây giờ con đã ở Việt Nam”, Ngân vừa cười vừa giải thích.
Ngoài cổng ga đến, vẫn còn nhiều cặp mắt mong đợi sự xuất hiện của người thân. Phía ga đi, mỗi lúc người tiễn lại nhiều hơn.
Theo Kinh Luân
Sinh viên Việt Nam