
3 ĐIỀU DU HỌC SINH THƯỜNG NGỘ NHÂN KHI ĐI DU HỌC
“Báo cáo Open Doors 2015 về Giao lưu giáo dục quốc tế công bố ngày 16/11 cho thấy năm học 2014-2015, có 18.722 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ – tăng 12,9% so với năm ngoái. Đây cũng là năm thứ 14 liên tiếp tỷ lệ du học sinh Việt Nam tăng trưởng. Các con số tương ứng này ở Úc, Nhật lần lượt là 0,2% (năm 2015, Đại sứ quán Úc), 91,6% (năm 2014, Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản JASSO).”
- Cứ du học thì tự khắc tiếng Anh cực giỏi
Ở nước ngoài, việc du học sinh phải sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, học tập là hoàn toàn hiển nhiên. Nhưng biết sử dụng là một chuyện, giỏi tiếng Anh là một chuyện khác. Du học chỉ cho bạn môi trường tốt để rèn luyện và nâng cao tiếng Anh khi bạn có khả năng tiếng Anh nhất định để có thể giao tiếp với môi trường, chứ không thể từ xuất phát điểm là con số 0, vì như vậy bạn mất rất nhiều thời gian để có đủ điều kiện tiếng Anh nếu muốn vào học tại các trường ở đây, chưa kể đến việc hoà nhập với môi trường mới bạn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu tiếng Anh không tốt. Hơn nữa, chi phí du học rất đắt nên việc chi trả chi phí học tiếng Anh của du học sinh có trình độ đầu vào tiếng Anh thấp là rất lãng phí.
- Chuyên môn giỏi hơn nguời không du học
Không thể phủ nhận, các nước như Mỹ, Anh, Úc có nền giáo dục tốt hơn Việt Nam, đặc biệt họ chú trọng vào “hành”, vào thực tiễn hơn là lí thuyết suông như ở Việt Nam. Thế nhưng, không phải du học sinh nào cũng có chuyên môn cao khi ra trường. Chuyên môn, kỹ năng là yếu tố mà cần tự bản thân rèn luyện, tìm hiểu từ những vấn đề đơn giản đến phức tạp trong học tập và làm việc. Hơn nữa, khả năng tiếng Anh hạn chế của đa số du học sinh cũng là trở ngại trong việc tiếp thu đầy đủ và nghiên cứu chuyên sâu các kiến thức được học, so với cả bạn học nước ngoài lẫn sinh viên trong nước.
- Mức lương “khủng” sau khi ra trường
Du học sinh đầu tư rất nhiều vào chi phí du học, do đó hiển nhiên du học sinh mong muốn có mức lương phù hợp với khả năng chuyên môn và đầu tư đã bỏ ra. Thế nhưng, khi bạn chưa chứng tỏ được giá trị của bản thân mình thì với nhà tuyển dụng, bằng cấp cũng chỉ là tờ giấy, và mức lương đối với 1 sinh viên mới ra trường dù mới du học về cũng không thể vuợt quá mặt bằng chung tại thị trường lao động Việt Nam. Một vấn đề đáng lưu ý nữa chính là liệu bạn có khả năng biến những kiến thức bạn được học trở nên phù hợp để áp dụng được ở Việt Nam hay không, đây thực sự là một câu hỏi lớn.
“Không ai chi trả cho các bạn một khoản khổng lồ nếu các bạn chỉ có tấm bằng tốt nghiệp từ nước ngoài và nói suông”, anh David Nam, nhà tuyển dụng của 1 công ty xây dựng tại TP.HCM cho biết ý kiến.
Vậy mới thấy du học chỉ là cánh cửa rộng mở cho những ai chuẩn bị kĩ lưỡng và sẵn sàng cho nó, đặc biệt về khả năng tiếng Anh.
(lược bỏ 1 số đoạn )
Nguồn: kenhtuyensinh